Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) và các nhà mạng đã tích cực triển khai các phương án nhằm hạn chế tối đa tình trạng SIM rác, cuộc gọi/tin nhắn rác làm phiền người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các đại lý bán SIM kích hoạt sẵn và tình trạng cuộc gọi rác vẫn diễn ra, điều đó khiến nhiều người dân vẫn tỏ ra khá bức xúc.
Trước đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng chấn chỉnh bằng việc "trói" trách nghiệm từ ngày 15/4/2024 với các doanh nghiệp viễn thông di động nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.
Sau khi yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm, trong buổi họp báo thường kỳ tháng 5, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Nguyễn Phong Nhã cho biết, hiện các doanh nghiệm đang nghiêm túc hơn trong việc phát triển thuê bao mới cho đúng quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng SIM rác được phản ánh từ người dùng hay các cơ quan báo chí phản ánh.
Số liệu mà ông Nhã cung cấp cho hay, đến nay với còn khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc nhóm người dùng đứng tên từ 4-9 SIM cùng một giấy tờ tuỳ thân. Số lượng khá lớn này vẫn được Cục Viễn thông sẽ rà soát nhằm chuẩn hóa thông tin, đồng thời có biện pháp chặn thuê bao không đúng thông tin.
Ông Nhã cũng khuyến cáo người dân chủ động động xác định số lượng SIM mình sở hữu bằng việc nhắn tin tới đầu số 1414, kèm theo số căn cước công dân. Từ đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cơ sở chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao.
Do lượng SIM rác vẫn còn trên thị trường nên khó tránh khỏi cuộc gọi rác, điều này vẫn ảnh hưởng lớn, làm phiền đến người dân.
"Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục triển khai cuộc gọi Brandname (cuộc gọi định danh). Dịch vụ này đã được áp dụng với Bộ Công an, nhiều doanh nghiệp và đã hiện tên khi gọi đến người dân", ông Nhã cho biết.
Trước đó, tháng 3/2024, đại diện Cục Viễn thông cho biết, đã có 100% thuê bao được chuẩn hoá thông tin theo cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia với số lượng là 127 triệu thuê bao ở Việt Nam.
Để hạn chế cuộc gọi rác, Bộ cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách để các thuê bao chính chủ được phát triển, đăng ký trực tuyến và cũng là cơ hội để các nhà mạng tiếp tục phát triển thuê bao của mình.
"Phát triển thuê bao chính chủ trực tuyến, nhưng buộc phải đảm bảo thông tin chính xác", ông Nhã nhấn mạnh.
Từ việc phát triển thuê bao chính chủ, các hành vi lừa đảo, cuộc gọi rác mới có hy vọng được giải quyết triệt để.