Bộ Tư pháp vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất sau vụ việc bỏ cọc đấu giá "đất vàng" tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM).
Quá trình rà soát, Bộ Tư pháp cho rằng những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm, các điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.
Dẫn Khoản 1, khoản 2 điều 8 Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư Pháp cho biết quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Các lô đất được tổ chức đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: Hoàng Triều
Đối với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định 45/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và các nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Theo Bộ Tư pháp, việc xác định giá khởi điểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Theo Bộ Tư pháp, đối với điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, hiện nay Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá; còn tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định.
Đối với tiền đặt cọc tham gia đấu giá và chế tài xử lý vi phạm, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5-20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
"Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá"- Bộ Tư pháp nêu rõ.
Cũng theo cơ quan này, hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá và thực tiễn đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Cơ quan này dẫn thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu giá tại một số nước cho thấy, doanh nghiệp tham đấu giá không phải nộp khoản tiền đặt trước mà chủ yếu dựa vào uy tín của doanh nghiệp đó và pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá
Bộ Tư pháp cũng nêu bất cập, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Từ vụ việc cụ thể đấu giá "đất vàng" tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như quá trình rà soát thời gian quan, Bộ Tư pháp nêu rõ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Các vướng mắc trong quy định pháp luật dẫn đến cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh. Trên thực tế, quy định việc nộp tiền trúng đấu giá đang được áp dụng theo các thời hạn khác nhau giữa các địa phương, như tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình quy định 30 ngày, trong khi tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là 20 ngày. Tại phiên đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM lại áp dụng thời hạn 90 ngày, căn cứ theo Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá và chế tài đối với doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm đấu giá. Bộ Tư pháp kiến nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40/2021/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh, TP quán triệt, chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, giám sát quá trình bán hồ sơ; thẩm tra, đánh giá các điều kiện năng lực người tham gia đấu giá… bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 62/2017 quy định biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức bán đấu giá tài sản để đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu giá.
Trước đó vào ngày 10-12, TP HCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000 m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá 37.350 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh), Công ty cổ phần Sheen Mega, Công ty CP Dream Republic và Công ty TNHH thương mại Bình Minh.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng khu đất có diện tích hơn 10.000 m2 ở khu đô thị Thủ Thiêm, tạo ra kỷ lục mới với mức giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm. Nhưng sau đó, doanh nghiệp này đã có văn bản xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.