Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức họp, thẩm định đề xuất về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023. Báo cáo của Bộ Tư pháp khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế bất động sản thay Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Bộ Tư pháp đề xuất "Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế bất động sản trình UBTVQH, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 05/2024 để thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bất động sản vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật thuế bất động sản tại 02 kỳ họp: cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025".
Theo Báo cáo tổng hợp, rà soát nghiên cứu của Bộ Tư pháp, thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) hiện hành được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến đối với đất ở 0,03% đối với phần diện tích trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.
"Quy định trên đã khiến tỷ lệ huy động về thuế SDĐPNN là rất thấp, mức thuế suất chưa đủ lớn để điều tiết mạnh đối với người có quyền sử dụng nhiều đất đai, chưa thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trong xã hội sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả. Đặc biệt, các mức thuế suất 0,07% và 0,15% tương ứng với diện tích đất vượt từ trên 1 lần đến 3 lần và trên 3 lần hạn mức sử dụng đất ở là thấp, chủ sử dụng đất không bị tác động nhiều từ thuế, đất không được sử dụng hết hiệu suất cho sản xuất kinh doanh, thậm chí còn bị bỏ trống, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai", báo cáo của Bộ Tư pháp đánh giá.
Bộ Tư pháp cho biết có rất ít quốc gia xác định ngưỡng chịu thuế theo diện tích như Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng ngưỡng chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Tuy nhiên, phương pháp này có khả năng điều tiết cao đối với người sử dụng BĐS có giá trị không lớn, BĐS tại nông thôn giá trị thấp nhưng có diện tích vượt ngưỡng chịu thuế; trong khi đó lại không điều tiết hoặc điều tiết thấp đối với BĐS có giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng chịu thuế.
Bộ Tư pháp đề xuất định hướng quy định thuế suất thuế BĐS theo hướng tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần nhằm đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn; điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.
Về thuế suất đối với đất ở sẽ đề nghị "đánh" thuế trên toàn bộ diện tích đất ở. Việc nâng mức thuế suất đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh) là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đảm bảo mục tiêu ban hành của chính sách và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp cần thiết phải nghiên cứu mức thuế suất đối với đất ở phù hợp.
Trong khi đó, nhà ở được xem là một khoản đầu tư vào đất. Trên thực tế, nhà nước khuyến khích việc xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, tránh để đất bỏ hoang, không tận dụng hết giá trị sử dụng của đất. Khi thực hiện đánh thuế bất động sản đối với nhà ở, cần thiết loại bỏ các loại nhà ở có mức đầu tư thấp (nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố...) ra khỏi phạm vi điều chỉnh để tránh gây gánh nặng thuế đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hoặc nhà chất lượng thấp, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Đối với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), cơ quan soạn thảo định hướng quy định ngưỡng chịu thuế đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân; không ảnh hưởng tới cung - cầu thị trường bất động sản và hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế. Thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Giá tính thuế cho nhà chung cư được xác định bao gồm cả giá trị đất và giá trị nhà. Theo đó, để đảm bảo công bằng với đất ở, nhà ở riêng lẻ, đề nghị quy định mức thuế suất đối với nhà chung cư được áp dụng từ giá trị đầu tiên, nhưng mức thuế suất sẽ thấp hơn đối với đất.
Theo Bộ Tư pháp, kết quả rà soát Luật thuế SDĐNN và Luật thuế SDĐPNN cho thấy cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật thuế BĐS chung thay cho Luật thuế SDĐNN và Luật thuế SDĐPNN. Tuy nhiên, Luật thuế BĐS là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn (đối tượng điều chỉnh là đất, nhà và công trình xây dựng nên có phạm vi và tác động đến toàn thể người dân và doanh nghiệp trên cả nước), nhiều nội dung mang tính kỹ thuật (như nội dung về giá tính thuế, thuế suất...). Bên cạnh đó, lĩnh vực thuế là lĩnh vực nhạy cảm (việc tăng mức thuế suất đối với đất và bổ sung đánh thuế đối với nhà, công trình xây dựng tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp).
"Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại báo cáo nêu trên mặc dù được tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thực tiễn quản lý thuế. Tuy nhiên, chưa được xin ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến rộng rãi khi xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến khi xây dựng và trình Luật ở bước tiếp theo", Báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay.