Founder Lê Mai Tùng xuất hiện tại Shark Tank mùa 3, tập 5 để gọi vốn cho EyeQ, startup về AI (trí tuệ nhân tạo) chuyên dùng để nhận dạng mặt người, hành động, hình ảnh,…
EyeQ biến camera bình thường thành camera AI, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như check-out thông minh khi mua sắm, dùng nhận diện khuôn mặt để rút tiền tại máy ATM, ứng dụng trong nhà máy thông minh để phát hiện hành động bất thường của công nhân, đo lường thời gian khách hàng chờ đợi khi mua sắm,…
Mức đầu tư founder mong muốn kêu gọi từ các Shark là 1 triệu USD cho 3,3% cổ phần, hoặc 2 triệu USD cho 6,6%.
Theo chia sẻ, từ khi thành lập vào tháng 10/2017, EyeQ đã nhận khoản vốn đầu tư 6,6 tỷ đồng từ các nhà đầu tư thiên thần, còn đội ngũ sáng lập thì đóng góp công sức. Riêng founder đã có bằng PhD về khoa học máy tính, từng làm ở nước ngoài với mức lương khoảng 200.000 USD/năm.
Năm 2018, startup ghi nhận doanh thu 1,5 tỷ đồng với lượng khách hàng "ít nhưng chất", trong đó có 2 tên tuổi lớn là Unilever và Vinpearl.
Dự án có triển vọng tài chính tốt khi mức tỷ suất lợi nhuận lên tới 90%, vì founder giải thích rằng mô hình chủ yếu là xây dựng thuật toán, "cả team cùng build lên chứ không phải mua bán gì".
Trước nghi vấn của Shark Việt về mức lợi nhuận trên, startup lẽ ra không cần gọi vốn, anh Lê Mai Tùng cho biết như với bất kỳ startup nào, điều quan trọng nhất là tính thời điểm. Với EyeQ, khi đã xây dựng xong mô hình, startup cũng cần gọi vốn để tranh thủ thời gian phát triển rộng ra.
Tuy nhiên founder khá tự tin thừa nhận dù không được Shark rót vốn, startup vẫn có thể phát triển tiếp vì bản thân anh có sở hữu riêng một công ty khác, chuyên về mảng công nghệ quảng cáo.
Định giá quá cao, startup ra về tay trắng
Trong nhận định của founder Lê Mai Tùng, Shark Dũng và Shark Thủy là những người đang bày tỏ sự quan tâm nhất định đến dự án.
Tuy nhiên, nửa đùa nửa thật, Shark Hưng, Shark Liên cho biết mình cũng hứng thú nhưng founder nói vậy nên các Shark "dỗi" và quyết định không đầu tư.
Shark Việt thì khẳng định doanh số năm 2018 của startup khá thấp, mức kêu gọi đầu tư cao trong khi tỷ lệ cổ phần trao đổi thấp, "nghe buồn cười" và cũng ra quyết định giống 2 Shark trên.
Dù nhìn nhận dự án có tính ứng dụng cao, có lợi thế người dùng lớn nhưng Shark Thủy cho rằng mô hình EyeQ mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu, chưa có quá nhiều khách hàng. Các mô hình tương tự trên thị trường chỉ định giá ở mức khoảng 1 triệu USD, thì với doanh thu 1 tỷ, không có lý do gì EyeQ đặt mình ở mức định giá 30 triệu USD.
"Quá xa so với hình dung của nhà đầu tư nên tôi quyết định không đầu tư", Chủ tịch Egroup ra quyết định.
Đồng tình với quan điểm này, cá mập công nghệ của chương trình cho biết mức kỳ vọng startup đặt ra và mức các shark sẵn sàng hỗ trợ đang có sự chênh lệch quá lớn, khiến các Shark không thể ra thêm đề nghị đầu tư nào nữa. Ngoài ra, Shark Dũng nhấn mạnh ngay cả startup có ứng dụng AI thì về bản chất, AI chỉ giỏi trong một số lĩnh vực được đào tạo sẵn, nghĩa là phải có thông tin đầu vào chứ bản thân AI không thể tự thông minh lên được.
"Em làm nhiều lĩnh vực, câu chuyện phân tán nên có thể AI chỉ thông minh vừa vừa, mà thông mình vừa vừa thì khó ứng dụng, vì vậy tôi không đầu tư", Shark Dũng chốt lại thương vụ, đồng nghĩa với founder EyeQ ra về tay trắng.