Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì kiểm tra, giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 phố Sơn Tây (phường Điện Biên) có 4 tầng hầm.
Theo nguồn tin của VietNamNet, Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản số 2846 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về phản ánh, kiến nghị của các hộ gia đình khu nhà ở ngõ 15 phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, kiểm tra giải quyết kiến nghị của các hộ dân việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ có 4 tầng hầm |
Theo đó, xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cho các hộ gia đình.
Các đơn vị giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 1/6 tới đây.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký báo cáo số 86 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân ở đây. Tại báo cáo này, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP báo cáo các nội dung liên quan tới việc UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng có 4 tầng hầm cho nhà ở riêng lẻ tại 15 phố Sơn Tây trực tiếp với tổ kiểm tra của TTCP.
Liên quan đến công trình này, như VietNamNet thông tin, ngày 24/9/2019, ông Tạ Nam Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (hiện là Chủ tịch UBND quận Ba Đình) đã ký giấy phép xây dựng (GPXD) số 447 cho công trình "nhà ở riêng lẻ" tại thửa đất lô B3 (diện tích 311,7m2) cho ông Lê Công và bà Lương Thị Lan Anh cao 5 tầng + 1 tầng hầm, với chiều cao công trình tính từ cốt hè phố Trần Phú đến mái công trình là 19,35m (tổng diện tích sàn xây dựng là 1.420 m).
Chỉ sau 3 tháng (ngày 19/12/2019), ông Tạ Nam Chiến lại ký GPXD số 617, điều chỉnh nội dung của GPXD số 447.
Tại GPXD lần này công trình được điều chỉnh thành 5 tầng + 4 hầm. Như vậy theo GPXD cấp lần 1, ở lần điều chỉnh này công trình được cấp phép tới 4 tầng hầm (thêm 3 tầng hầm so với 1 tầng hầm ban đầu- PV), tổng diện tích sàn xây dựng điều chỉnh lên tới 2.223,1m2 (trong đó riêng tổng diện tích sàn tầng hầm lên đến 1.070,8m2, chiếm gần một nửa diện tích công trình).
Theo phân cấp quy mô kết cấu, nhà ở riêng lẻ thuộc công trình cấp III độ sâu ngầm nhỏ hơn 6m và số tầng hầm 1 tầng. Đối với công trình cấp II thì mới được cấp phép từ 2 đến 4 tầng hầm, độ sâu ngầm từ 6 đến 18m. Theo luật sư công trình xây dựng có 4 tầng hầm là tương đương với công trình cấp II. Nếu là cấp II thì thẩm quyền cấp GPXD là của Sở Xây dựng |
Theo phương án thiết kế được điều chỉnh GPXD được thiết kế 4 tầng hầm với công năng sử dụng của các tầng hầm gồm tầng hầm 4 để xe ô tô; tầng hầm 3, 2 là diện tích kho chứa, kỹ thuật và tầng hầm 1 để xe máy. Chiều cao các tầng hầm đều là 3,3m.
Trước đó, trong văn bản trả lời Sở Xây dựng Hà Nội về việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc xác định thẩm quyền thẩm định thiết kế đối với công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm từ 2 tầng đến 5 tầng hầm theo phân cấp công trình quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD (ngày 10/3/2016).
Nêu ý kiến về việc thẩm định hồ sơ thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ có tầng hầm từ 2 tầng đến 5 tầng, theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước) của công trình nhà ở có quy mô dưới 25 tầng, chiều cao không quá 75m; công trình công cộng, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng đối với công trình cấp II,III được xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Hồng Khanh