Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản. Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.
Cũng theo Bộ Xây dựng, quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng như "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Không chỉ vậy, có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước phiên đấu giá và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá, ép phải xin rút hồ sơ. Có tình trạng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá như các vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội năm 2021.
Với trường hợp đấu giá đất vàng Thủ Thiêm, Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.
Được biết, trước đó tại Báo cáo chuyên đề của Bộ Tư pháp về lĩnh vực bán đấu giá tài sản (ĐGTS) tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022 diễn ra ngày 21/12 nêu rõ, Công tác quản lý nhà nước về ĐGTS đã hạn chế các bất cập, vướng mắc, sai phạm liên quan, tạo sự minh bạch, công khai trong ĐGTS, xử lý các hành vi vi phạm.
Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS còn chưa khách quan, tình trạng "sân sau" còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn. Việc người có tài sản giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí buông lỏng, dẫn đến không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Tình trạng "thông đồng", "dìm giá", "quân xanh, quân đỏ" giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá, tình trạng doanh nghiệp hoặc cá nhân "bảo kê" cho các băng nhóm "xã hội đen" có hành vi đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
Trong khi đó, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%), nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình một số nước phát triển, dẫn đến nguy cơ bị trục lợi. Tài sản thuộc cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 0,06% so với số cuộc ĐGTS bắt buộc.
Chỉ rõ việc này, Bộ Tư pháp cho rằng, việc "thông đồng, dìm giá", "quân xanh, quân đỏ", "đe dọa, cưỡng ép" diễn ra tinh vi, ngày càng phức tạp, khó phát hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn "cả nể", "nương tay", răn đe chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia đấu giá…
Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ Tài nguyên và môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), chỉ đạo UBND các tỉnh, thành rà soát công tác tổ chức đấu giá QSDĐ trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.