Môi giới “chụp giật”, đầu cơ diễn ra phổ biến
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, nhưng đến nay một số điều luật không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
Nhiều tồn tại, bất cập nảy sinh được Bộ Xây dựng chỉ ra, trong đó, phạm vi điều chỉnh và quy định của Luật hiện hành chưa rõ ràng, hoặc có sự giao thoa với một số luật khác như: Luật Đất đai, (về chuyển nhượng quyền sử dụng đất), Luật Nhà ở (về mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở), Luật Đầu tư (về chuyển nhượng dự án bất động sản), pháp luật dân sự (về hợp đồng kinh doanh…).
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định chung về kinh doanh nhà, công trình xây dựng mà chưa quy định cụ thể, riêng đối với một số loại bất động sản như nhà ở, công trình dịch vụ, thương mại, du lịch…
Đáng lưu ý, về kinh doanh dịch vụ bất động sản (BĐS) thì chưa kiểm soát tốt được hoạt động của các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. “Một bộ phận đội ngũ làm môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng”, tờ trình nêu.
Bên cạnh đó, mô hình sàn giao dịch kinh doanh bất động sản đã được quy định nhưng hoạt động còn bất cập, chưa đảm bảo việc quản lý các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản…
Đặc biệt theo Bộ Xây dựng, còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS.
Trong khi đó, các giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường trong một số giai đoạn chưa đảm bảo đồng bộ, thiếu nền tảng quy định pháp luật, thiếu chủ động về nguồn lực nên việc triển khai thường khó khăn, tác động chậm.
Thị trường BĐS phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào; cơ cấu sản phẩm bất động sản không phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu bất động sản đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế.
Giá nhà ở, giá bất động sản đặc biệt là tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế.
“Tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, nhất là tại các khu đô thị lớn, khiến cho hoạt động của thị trường bất động sản thiếu tính bền vững và ổn định”, Bộ Xây dựng cho hay.
Từ thực tế đó, cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản cần được sửa đổi, bổ sung để đề cập đầy đủ hơn các hình thức, loại hình kinh doanh BĐS, đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế.
Quy định cụ thể loại hình condotel, shophouse…
Về phạm vi điều chỉnh, theo Bộ Xây dựng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đưa ra hướng sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh doanh bất động sản và tránh chồng chéo, giao thoa; làm rõ các nội dung liên quan đến kinh doanh bất động sản dưới dạng quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản, tránh chồng chéo với pháp luật về đất đai;
Dự thảo cũng bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản là công trình căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)…
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 99 Điều chia thành 11 Chương. Bộ Xây dựng đề xuất thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) của Quốc hội khóa XV và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) của Quốc hội khóa XV.
Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.