Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) về việc chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower - trụ sở kết hợp với văn phòng cho thuê trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ngày 22/5 vừa qua, trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn, HUD có văn bản xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower. Bộ Xây dựng đã chấp thuận với phương án này với điều kiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định.
Theo đó, HUD sẽ được phép chuyển nhượng một phần diện tích sàn văn phòng, thương mại hoặc chuyển nhượng một phần dự án. Hội đồng thành viên có trách nhiệm bàn bạc, thống nhất hình thức kinh doanh, báo cáo Bộ Xây dựng phương án chi tiết trước khi thực hiện.
Trước đó, HUD từng muốn chuyển nhượng toàn bộ dự án này để thu hồi vốn. Phương án này đã được Bộ Xây dựng chấp thuận từ năm 2014 nhưng tổng công ty lại cho rằng với thực trạng sử dụng và kinh doanh hiện tại, việc chuyển nhượng toàn bộ sẽ không thực hiện được.
HUD Tower là tòa cao ốc tọa lạc trên lô đất có diện tích 6.500 m2 ở số 37, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã nộp tiền thuê đất một lần có thời hạn đến năm 2059. Dự án khởi công từ năm 2010, đã đưa vào khai thác thương mại với tổng diện tích sàn 70.000 m2.
Theo Bộ Xây dựng, giá trị đầu tư của dự án cao ốc này tính đến thời điểm 31/3 khoảng 1.540 tỷ đồng.
Bên cạnh cao ốc HUD Tower, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét, có ý kiến đối với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa với khu đất số 21 phố Kim Đồng, Hoàng Mai, là trụ sở cũ của tổng công ty để hoàn thiện trong phương án cổ phần hóa. Cùng với đó là việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công là các cơ sở nhà, đất của HUD tại Khánh Hòa và Đồng Nai.
HUD tiền thân là Công ty Đầu tư phát tiển nhà và đô thị, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng từng được coi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị, trong đó có Linh Đàm - một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.
Doanh nghiệp hiện có hơn 20 đơn vị thành viên trong các lĩnh vực đầu tư, xây lắp, tư vấn thiết kế nhà và đô thị; sản xuất dịch vụ xây dựng; dịch vụ đô thị...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của các tập đoàn bất động sản tư nhân cũng với những biến động trên thị trường, HUD cũng gặp không ít khó khăn.
Năm 2015, HUD từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt lỗ hổng trong đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, giai đoạn trước năm 2011, tổng công ty đã đầu tư nhiều dự án vượt xa khả năng tài chính, quản trị, dẫn đến triển khai bị chậm trễ. Trong giai đoạn thị trường bất động sản suy thoái 2011-2012, doanh nghiệp đã phải chuyển nhượng lại nhiều dự án để thu hồi vốn.