Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng sẽ bao gồm Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Nhiều dự án nhà ở tại Bình Dương có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động kinh doanh
Được biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện hàng loạt dự án sai phạm, vi phạm pháp luật trong công tác quản lý hoạt động cấp phép, mua bán bất động sản. Các dự án vi phạm này tập trung chủ yếu ở các thành phố Thuận An, Dĩ An (giáp TP HCM)...
Đơn cử như dự án chung cư Thạnh Tân của chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thạnh Tân có địa chỉ tại TP Dĩ An. Thời gian gần đây hàng loạt khách hàng đã gửi đơn tố cáo vì dự án dù đã quá hạn bàn giao thế nhưng vẫn ngổn ngang chưa hoàn thiện, còn chủ đầu tư thì bặt vô âm tính .
Cũng tại Dĩ An, Khu dân cư Minh Ngọc của Chủ đầu tư CTCP Minh Ngọc cũng đồng loạt bị khách hàng tố cáo đã tiến hành bán 93 lô đất nền từ năm 2014, tuy nhiên đến nay vẫn chưa sang tên chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hay tại TP Thủ Dầu Một, dự án KĐT sinh thái Chánh Mỹ của chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị HUD mới đây cũng vừa bị khách hàng gửi đơn tố chiếm dụng vốn hơn 10 năm mà không giao đất.
Cụ thể, khách hàng tại dự án này cho biết, tháng 10/2010, khách hàng ký hợp đồng mua đất với công ty HUD. Thế nhưng trong suốt 10 năm qua, 160 lô đất đã được bán, khách hàng dù đã đóng tiền nhưng chủ đầu tư không cung cấp bất cứ thông tin cập nhật chính thức nào về việc dự án chậm tiến độ.
Bức xúc với cách làm việc thiếu trách nhiệm, khách hàng đã nhiều lần tìm đến trụ sở của HUD để làm việc, thế nhưng chủ đầu tư lờ đi. Hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo cũng đồng thời được gửi tới cơ quan chức năng.
Thậm chí, tại Bình Dương, mới đây Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm - Bộ Công an cũng vừa vào cuộc kiểm tra, thu thập hồ sơ về việc 17 dự án với hàng ngàn nền đất sai phạm do sự tiếp tay của các cán bộ quản lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các dự án này có tổng số lên tới hàng ngàn nền đất đều thuộc 2 TP đông dân của Bình Dương là Thuận An và Dĩ An. Hầu hết các dự án có nguồn gốc là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của nhà nước để sản xuất kinh doanh.
Sau khi tiến hành chuyển nhượng quyền thuê đất, các công ty này đã xin chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở và tách thửa, bán cho người dân. Thậm chí, ngoài 17 dự án trên, 4 công ty này còn sở hữu 9 khu đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 101.000 m2.
Đáng nói, nhờ sự "trợ lực" của các cán bộ địa phương, 9 khu đất trên được phân lô thành 1.059 cuốn sổ đỏ với các diện tích thửa đất từ 42,3 - 136,2 m2.