Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà có giá phù hợp đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Bộ trưởng: Gỡ khó nhà xã hội, phát triển nhà giá phù hợp
Đây là nội dung được Bộ trưởng Xây dựng chỉ đạo tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý I; triển khai thực hiện công tác quý II/2021 tuần trước. Hội nghị triển khai công tác có ý nghĩa quan trọng và cũng là Hội nghị đầu tiên ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì kể từ khi được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 4 vừa qua.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã khái quát lại các kết quả chỉ đạo điều hành chính của Bộ Xây dựng trong quý I/2021, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II. Đồng thời định hướng các vấn đề cơ bản về quan điểm, cách thức, nguyên tắc làm việc cho cả nhiệm kỳ.
Đánh giá về công tác nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý I vừa qua, Bộ trưởng nhìn nhận đã có những biến động cục bộ, nhưng đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm quý II được Bộ trưởng nhấn mạnh là thực hiện việc quản lý nhà ở và thị trường BĐS. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng mới Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Tân Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì hội nghị đầu tiên trên cương vị mới |
Bộ trưởng cũng chỉ rõ cần thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường BĐS; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó là việc hoàn chỉnh, bổ sung Nghị định sửa đổi Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.
Trước đó, trong một báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng thừa nhận rằng giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Theo cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (đến năm 2020), mới xây dựng được hơn 5,2 triệu m2 đạt 41,7% chưa đạt mục tiêu đề ra.
"Hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn", Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Theo Bộ Xây dựng, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS quan tâm đầu tư các dự án nhà ở thương mại phục vụ cho các đối tượng có thu nhập khá và cao. Điều này dẫn đến nguồn cung nhà ở thương mại cao cấp đang dư thừa; trong khi lại thiếu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (có giá dưới 25 triệu đồng/m2) dành cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Bộ này cũng cho biết, theo tính toán, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm từ 20% - 30% tùy từng địa phương, đô thị cụ thể, nhưng nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70% - 80% thị trường nhà ở.
Ghi nhận từ thực tế giá nhà ở đô thị hiện đang cao gấp nhiều lần so với thu nhập của người dân trong khi đó căn hộ từ 1-2 tỷ dần "biến mất" trên thị trường. Tại Hà nội có một số ít dự án nhà ở xã hội với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 mở bán và một số dự án nhà ở thương mại giá thấp.Còn tại TP.HCM hầu như không có dự án có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu/m2.
Thời gian qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid- 19, giá BĐS vẫn tăng. Trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Savills Việt Nam, tại Hà Nội từ năm 2016 đến nay, giá nhà sơ cấp tăng 5% mỗi năm. Giá nhà một số khu vực vùng ven cũng tăng lên 50-60 triệu đồng/m2. Giá nhà đang gấp thu nhập bình quân của người dân 20-30 lần.
Quý IV trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Được biết, Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại địa phương. Trên cơ sở các báo cáo này, Bộ sẽ tổng hợp thực trạng, khó khăn bất cập và đề xuất các giải pháp chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mới để trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 vào quý IV/2021.
Giá nhà ở đô thị hiện đang cao gấp nhiều lần so với thu nhập của người dân trong khi đó căn hộ từ 1-2 tỷ dần "biến mất" trên thị trường |
Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, liên quan tới nguồn vốn, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội.
Theo đó, sẽ đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Đối với việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m 2 , giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m 2), Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi: Về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; và cơ chế huy động vốn…
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh việc triển khai các cơ chế chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp phải được nghiên cứu bài bản nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật về nhà ở và các pháp.
Cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện của người dân, doanh nghiệp Tại Hội nghị đầu tiên chủ trì sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu lên các quan điểm, định hướng cơ bản liên quan đến cách thức, nguyên tắc làm việc cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không cầu toàn, phải quyết liệt, chủ động sửa đổi ngay các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, cản trở sự phát triển, không phù hợp thực tiễn, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, hướng dẫn công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch theo pháp luật, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ, điều chỉnh quy hoạch các địa phương. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh số hoá, công khai quy hoạch trên cổng thôn tin quy hoạch quốc gia. Người đứng đầu ngành xây dựng cũng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát phải đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn đối với địa phương, người dân, doanh nghiệp. "Hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh. |
Hồng Khanh