Sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế Thành phố theo hình thức trực tuyến.
Tại buổi gặp mặt, có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc tiêm vaccine cho trẻ em. Đơn cử như ý kiến của bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Bệnh viện Nhi đồng 1, ông cho biết khi tỷ lệ chích ngừa cho người trên 18 tuổi ngày càng lớn thì làn sóng nguy hiểm sẽ hướng đến đối tượng là trẻ em.
Vị bác sĩ lấy dẫn chứng cụ thể tại Mỹ, chỉ tính riêng trong 2 tuần cuối tháng 9, quốc gia này đã ghi nhận hơn 500.000 trẻ nhập viện do chủng Delta. Mặt khác, khi trẻ em trở lại trường học vào tháng 9 cũng khiến tỷ lệ nhiễm của nhóm này tăng nhanh.
Bác sĩ Hùng nói thêm, Việt Nam hiện có khoảng 25 triệu trẻ em, riêng TP.HCM có khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi 5 - 18 tuổi. Cho nên, việc sớm có phương án tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em là cần thiết.
Hiện, Việt Nam chưa hướng dẫn tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng nhiều nước trên thế giới đã triển khai việc này, có nước còn kiến nghị tiêm cho trẻ 5-12 tuổi.
Đồng quan điểm, ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, cho biết hiện Bộ Y tế đang đặt chỉ tiêu tiêm cho người trên 50 tuổi là 80% cho các địa phương. Ông Giang đề xuất có thể giảm tỷ lệ này xuống 70%. Với 10% giảm, có thể sử dụng nguồn vaccine đó để tiêm cho trẻ em.
Cũng xoay quanh đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi ngay trong tháng 10. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.
Vaccine dự kiến tiêm là Pfizer của Mỹ và Abdala của Cuba. Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, thời gian tới sẽ có lượng lớn vaccine Pfizer về Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng đang chờ Cuba sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để xem xét.
Trước đó, TP.HCM dự kiến cho trẻ em đến trường từ tháng 1/2022. Theo bác sĩ Hùng, thành phố còn 3 tháng để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em bởi đây là đối tượng nhạy cảm, nhất là những em có bệnh lý nền và béo phì.