Cách đây ít ngày, trang fanpage trên Facebook của báo Singapore The Straits Times đã đưa ra bảng so sánh về số lượng vaccine, tiến độ tiêm chủng và tiếp nhận vaccine của các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, bảng thống kê này dự báo, Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.
Đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đơn vị được giao tiếp nhận và phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho biết, điều này là hoàn toàn không chính xác và không có cơ sở, vì trong quý 3 sẽ có khoảng 26 triệu liều vaccine, trong quý 4 sẽ có khoảng 65,5 triệu liều, trong đó có 20 triệu liều cho trẻ em dưới 18 tuổi sẽ về Việt Nam, tổng số vaccine nhận trong 2 quý cuối năm sẽ đạt 91 triệu liều. Con số này sẽ gấp nhiều lần số vaccine đã nhận ở thời điểm này.
Chia sẻ với VTV, GS. TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, chúng ta có nhiều nguồn vaccine khác nhau, như nguồn cơ chế COVAX và một số chính phủ các nước trao tặng. Trong tuần này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 3 triệu liều Moderna của Chính phủ Mỹ trao tặng, các vaccine khác Việt Nam đặt mua trong tuần này sẽ về 1 triệu liều, trong quý 3 sẽ có khoảng 15 triệu liều.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêm được cho gần 4,3 triệu người, trong đó có hơn 300.000 người hoàn thành 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và các địa phương đang nhanh chóng triển khai tiêm cho người dân.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc rất cơ bản theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Trước tiên là ưu tiên cho các vùng có dịch và ưu tiên những vùng có dịch nhiều nhất, thứ hai là ưu tiên cho các địa bàn, địa phương có nhiều khu công nghiệp, những địa phương là đầu tàu phát triển kinh tế, ưu tiên cho các địa phương vùng biên giới và các địa phương có nhiều yếu tố nguy cơ.
Với hệ thống y tế cơ sở rộng khắp, Việt Nam đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 70 triệu người dân từ nay tới hết quý 1/2022, từ đó tạo miễn dịch cộng đồng.