Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, năm 2019 Nam Định chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn Châu Phi. Toàn tỉnh phải tiêu huỷ 266.070 con tại 37.707 hộ chăn nuôi lợn. Trong đó, lợn nái 57.966 con, lợn đực 897 con, lợn thịt 97.173 con, lợn choai 46.658 con, lợn con 63.376 con.
Tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 14.511 tấn, gây thiệt hại khoảng 560 tỉ đồng. Hiện tỉnh Nam Định đã hỗ trợ cho người chăn nuôi sau dịch với số tiền hơn 404 tỉ đồng.
Tính đến ngày 6/2/2020, toàn bộ 214 xã, phường, thị trấn có bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết do bệnh. Ngày 12/2/2020, toàn tỉnh Nam Định có 175 xã, phường, thị trấn (chiếm 81,8%) công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Giá lợn giống tăng cao, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn trong môi trường khiến người chăn nuôi tại Nam Định dè dặt tái đàn.
Theo ghi nhận của PV, hiện nhu cầu tiêu thụ thịt lợn bắt đầu tăng cao khiến giá lợn hơi bị đẩy lên cao, nhiều hộ chăn nuôi rất kì vọng có thể chớp lấy thời cơ này để thực hiện tái đàn. Tuy nhiên, do giá con giống đang tăng cao, trung bình 2,3 triệu đồng/con nên tỉ lệ tái đàn thấp, gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Tùng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Trường cho hay, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn. Từ ngày 26/3/2019- 31/12/2019, số cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy là 2.696 cơ sở, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 20.323 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy là 1.272,723 tấn.
Tổng kinh phí hỗ trợ theo quy định trên địa bàn huyện là 50,53 tỉ đồng (hỗ trợ công tiêu hủy là 2,545 tỉ đồng, hỗ trợ hộ chăn nuôi là 47,985 tỉ đồng).
Trong 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện không phát sinh dịch bệnh tả lợn châu Phi, hiện huyện đã công bố hết dịch cho 20/20 xã, thị trấn. Việc công bố hết dịch bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân chăn nuôi lợn tái đàn. Tuy nhiên, do giá lợn giống cao (khoảng 2,5 triệu đồng/con) nên việc tái đàn gặp nhiều trở ngại.
Đến nay, Nam Định mới tái đàn được khoảng 10% tổng đàn lợn.
Ngoài ra, huyện Xuân Trường có khoảng 310 hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ từ ngày 31/5/2019- 26/12/2019 chưa nhận được tiền hỗ trợ nên những hộ này cũng chưa thể tái đàn khôi phục sản xuất.
“Hiện dịch Covid– 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm vaccine cho đàn vật nuôi, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trong thời gian tới rất lớn”, ông Tùng nói.
Theo một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Xuân Trường, cú sốc dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều gia đình lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Nhiều gia đình chăn nuôi quy mô lớn bị thua lỗ nặng nề. Hiện nhiều người dân muốn tái đàn, nhưng tâm lý dè dặt sợ dịch bệnh quay lại, cộng với việc giá lợn giống cao nên việc tái đàn vẫn đang cầm chừng.
Tương tự, ở địa bàn huyện Hải Hậu, đến nay việc tái đàn mới đạt khoảng 70% so với thời điểm chưa có dịch tả lợn châu Phi. Theo một lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu, sở dĩ việc tái đàn chậm là do giá con giống đắt đỏ.
“Nguồn giống tại chỗ bị thiệt hại do dịch, dẫn đến nguồn cung giảm, giá bị đẩy lên cao. Chăn nuôi trang trại tái đàn tương đối mạnh, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu dân cư có xu hướng giảm. Tính đến nay việc tái đàn mới đạt khoảng 70% so với thời kỳ chưa có dịch tả lợn châu Phi”, vị lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu nói.
Nói về việc tái đàn trong thời gian qua, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Nam Định cho hay, hiện công tác tái đàn được thực hiện một cách thận trọng. Hàng năm tỉnh duy trì gần 800.000 con lợn, nhưng từ tháng 12/2019 đến nay tỉnh Nam Định mới tái đàn được khoảng 10% tổng đàn.
Việc tái đàn gặp nhiều khó khăn là bởi các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn chiếm phần lớn. Sau đợt dịch nhiều hộ không đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên lo lắng khi tái đàn trở lại; mặt khác, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 57.954 con lợn nái (chiếm 46%) phải tiêu hủy dẫn đến việc nguồn giống khan hiếm, bị đẩy giá cao.