Đó là thông tin vừa được các đại diện Boeing chia sẻ bên lề sự kiện Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Việt Nam mới đây. Theo ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho biết, trong vòng 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.210 máy bay mới trị giá 650 tỷ USD. Khu vực này cũng dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng giao thông hàng năm ở mức 6,2%, vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,5%.
Ông Michael Nguyễn (phải) Tổng giám đốc Boeing Việt Nam. Ảnh: vnexpress.
Theo đại diện của Boeing cho biết, hãng sẽ tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Họ đang có một sự kỳ vọng lớn vào nhu cầu của khu vực trong tương lai đối với các loại máy bay thương mại của mình. Trong đó, Việt Nam được cho là sẽ dẫn đầu khu vực về nhu cầu này và Boeing muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Boeing cũng muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng cũng như hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, Boeing đang có đến 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, nhưng hầu hết đều là các nhà cung cấp của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, chỉ duy nhất một công ty của Việt Nam.
Ông Michael Nguyễn cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn được làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh”.
Tuy nhiên, để trở thành một nhà sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng và cung cấp các sản phẩm cho “gã khổng lồ” hàng không của Mỹ như là Boeing, các nhà cung cấp của Việt Nam sẽ phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, chất lượng sản phẩm cũng như thời hạn giao hàng. Đây là một thực tế rất khắc nghiệt chứ không chỉ câu chuyện nói suông.
Nhà cung cấp cho Boeing, chuyện còn xa
Được thành lập vào năm 1916, tại Puget Sound, bang Washington, Mỹ, Boeing là công ty máy bay lớn nhất trên thế giới, chuyên sản xuất máy bay thương mại, máy bay quân sự, vệ tinh, vũ khí và hệ thống phòng thủ điện tử. Hãng có một lịch sử là công ty tốt nhất trong việc lãnh đạo và đổi mới để thiết kế các máy bay hàng đầu.
Trụ sở Boeing, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới tại Chicago, Illinois, Mỹ.
Để duy trì sự đổi mới và cạnh tranh, vào những năm 1990, Boeing bắt đầu xem xét việc thay thế Boeing 767, do tốc độ bán hàng chậm. Đến năm 2003, Boeing bắt đầu chuyển sang lắp ráp máy bay phản lực 787 tại nhà máy đặt tại Everett Washington với mục tiêu giảm thời gian từ 6 năm xuống còn 4 năm. Từ đó, thay vì ký hợp đồng với chiếc máy bay từ đầu, họ sẽ thuê ngoài các bộ phận và ký hợp đồng phụ cho các công ty khác ở các quốc gia khác nhau.
Với loại máy bay phản lực 787, Boeing đã gia công phần thân sau từ Vought Aircraft Industries của Mỹ, phần giữa từ Alenia Aeronautical của Ý, phần cánh được gia công từ Fiji, Mitsubishi và Kawasaki ở Nhật Bản và phần mũi được gia công bởi Onex Corporation có trụ sở tại Toronto. Các công ty thuê ngoài khác còn bao gồm Global Aeronautica, Kawasaki Heavy Industries, Aero Systems Wichita Japan, Korea Air, HCL enterprise và Saab AB cùng một số công ty khác.
Bằng cách gia công tại các quốc gia khác, Boeing sẽ tạo ra mối quan hệ và thị trường cho máy bay ở các quốc gia này. Đồng thời, việc thuê ngoài của Boeing cũng có lợi trong việc hỗ trợ công ty giảm thời gian sản xuất, cắt giảm chi phí và tận hưởng sự sẵn có của lao động có tay nghề cao và nguyên liệu thô từ các quốc gia khác.
Bên trong một nhà máy của Boeing.
Hiện, mạng lưới nhà cung cấp của Boeing trải dài trên toàn cầu và bao gồm 12.000 nhà cung cấp đang hoạt động với hơn 6.000 trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và đa dạng. Các nhà cung cấp đa dạng của Boeing luôn mạnh về khả năng cạnh tranh, nhanh nhẹn và đổi mới. Chúng nhỏ, nhưng hùng mạnh. Trung bình, khoảng 51% trong số đó được coi là có hiệu suất cao, được xác định bằng xếp hạng đo lường nội bộ dựa trên hiệu suất, chất lượng, phân phối và giảm chi phí.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, Boeing hợp tác với các nhà cung cấp từ 58 quốc gia, bao gồm tất cả 50 bang của Mỹ. Công ty đã mua hơn 1,7 tỷ bộ phận cho tất cả các chương trình và dịch vụ của mình, và chi tổng cộng hơn 58 tỷ USD.
Trên thực tế, một số loại máy bay của Boeing hiện đều có các linh kiện từ Việt Nam bao gồm các bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Nhưng, những công đoạn đó đều do Công ty TNHH MHI Aerospace Vietnam, một công ty con của tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Boeing từ năm 2009.
Có một sự thật là, trong chuỗi giá trị toàn cầu của Boeing, chỉ những sản phẩm cần nhiều lao động, chiếm nhiều diện tích mặt bằng và có giá trị gia tăng thấp mới đến tay doanh nghiệp Việt. Rõ ràng, để trở thành nhà cung cấp của Boeing, còn một chặng đường xa với các doanh nghiệp Việt Nam.