UBTV Quốc hội đã có báo cáo Tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016.
Đối với ý kiến cho rằng cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên còn cao, chi đầu tư tăng chậm, UBTV Quốc hội cho rằng trong năm 2016, nếu tính cả đầu tư từ nguồn TPCP và xổ số kiến thiết thì chi đầu tư phát triển đạt 26,9% tổng chi NSNN.
Như vậy, đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 25-26% tổng chi cân đối NSNN. Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cho biết chi thường xuyên chiếm 63,5% tổng chi NSNN, tăng so với năm 2015 (năm 2015 là 62,3%).
Vì vậy, Uỷ ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu chi theo mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.
Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tỷ lệ bội bội chi ngân sách/GDP năm 2016 cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép, ảnh hưởng đến nợ công.
Đối với vấn đề này, UBTV Quốc hội cho hay dù số bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng do GDP không đạt kế hoạch, giảm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, nên tỷ lệ bội chi tính trên GDP (5,52%GDP) cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép là 4,95%GDP.
Điều này còn chưa tính đến số nợ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục tăng lên (63,71%).
Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cũng cho biết, sang năm 2017 đã được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4%.
Vì vậy, để bảo đảm giữ mức bội chi hàng năm, giảm áp lực gia tăng nợ công, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần dự báo, tính toán GDP sát thực tế. Trong điều hành, Chính phủ cần bám sát dự toán, ưu tiên sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN hàng năm trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (%).
Theo đó, đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2016-2020 bội chi NSNN khoảng 3,9%GDP, dư nợ công trong mức giới hạn cho phép.
Trong trường hợp dự báo tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch, Chính phủ cần chủ động điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp để bảo đảm tỷ lệ bội chi trên GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.