Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo lần hai phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn. Cụ thể là dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư.
Đây là 2 dự án lấn sông Hàn xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trong thời gian dài. Trước đó, vào tháng 5/2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về 2 dự án này. Tại hội thảo phản biện này, nhiều ý kiến thẳng thắn được nêu ra bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Đà Nẵng cho phép lấn sông Hàn gây ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường, quyền lợi của người dân...
Hai dự án này sau đó đã phải điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của chính quyền TP. Lần gần nhất là năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng và không còn các khối nhà cao tầng tại 2 dự án này, chỉ còn nhà biệt thự...
Đà Nẵng phải điều chỉnh quy hoạch 2 dự án dọc sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành
Ông Đinh Thế Vinh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho hay, với lần điều chỉnh mới nhất, theo quy định, TP phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để bồi thường cho hai chủ đầu tư do đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đất ở và đất thương mại, dịch vụ trước đó.
Tuy nhiên theo ông Vinh, ý kiến mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây là có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn. UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng cho rằng, TP cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn, vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông.
Còn ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cho rằng cần thiết nên có một số công trình cao tầng tại dự án để đối xứng, hài hòa với bờ tây sông Hàn. Tuy nhiên, cần tính toán khoảng lùi của cao ốc đối với bờ sông và Đà Nẵng cũng phải nghiên cứu tổng thể kiến trúc của cả vệt đất phía sau 2 dự án cùng các chung cư nhà ở xã hội 12 tầng hiện hữu để tạo thành một cụm kiến trúc đồng bộ, đẹp mắt.
Khu vực dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành |
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư 2 dự án mong muốn TP sớm điều chỉnh quy hoạch lần cuối cùng để bắt tay vào xây dựng dự án. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, chủ đầu tư dự án Bất động sản - Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết: Việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án, đồng thời Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường. Doanh nghiệp không hề mong muốn điều này. |
Theo tham luận của ông Vũ Quang Hùng, thành viên Hội đồng kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa X, cho rằng: Trước khi triển khai dự án, cần điều chỉnh sắp xếp cục bộ tổng mặt bằng phù hợp với quy hoạch chung. Trong đó, cần quan tâm đến không gian công cộng ven sông để nhiều người dân tiếp cận thụ hưởng, nghiên cứu kiến trúc công trình hài hòa cảnh quan khu vực ven sông. Ưu tiên dành vị trí các không gian công cộng về phía sông, mở rộng diện tích công cộng phía bờ sông và tổ chức tuyến đường ven sông xuyên suốt.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Về mặt nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch 2 dự án này là phải tuân thủ quy hoạch chung TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có công trình hầm qua sông Hàn chạy qua dự án.
Ông Ngô Xuân Thắng (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng) đề nghị lãnh đạo TP nên ngồi lại với các chủ đầu tư khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch phù hợp, hài hoà giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích chung cộng đồng. Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch cần hạn chế thấp nhất việc phát sinh chi phí bồi thường trong bối cảnh khó khăn hiện nay.