Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp về việc "Góp ý dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" nhằm xây dựng tính khả thi và đáp ứng tình hình thực tiễn.
Theo đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang tồn tại một số vấn đề. Với dự thảo nghị định trên, vấn đề quan trọng được đặt ra là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tái định cư.
Cần xây dựng cơ chế giải quyết thật thỏa đáng, hợp tình hợp lý, công bằng giữa các đối tượng được tái định cư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, được áp dụng chính sách tương đồng với chính sách áp dụng đối với trường hợp người tái định cư tại các dự án xây dựng lại nhà chung cư.
HoREA đánh giá, hiện tại, "dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và "dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì soạn thảo đều chưa quy định "không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư đối với người tái định cư đã được giao đất ở tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".
Mục đích để những người tái định cư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án không phải là dự án xây dựng lại nhà chung cư yên tâm và chính quyền các địa phương thực thi chính sách, pháp luật thống nhất.
Hiệp hội dẫn chứng tại khoản 8 và khoản 10 Điều 111 Luật Đất đai 2024 quy định: "Trường hợp người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, quỹ nhà ở tái định cư và tình hình thực tế tại địa phương quy định chi tiết về suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 8 Điều này.
Qua đó, HoREA cho rằng cần quy định "suất tái định cư tối thiểu là một nền nhà đã có hạ tầng trong khu tái định cư hoặc một căn nhà gắn liền với đất, hoặc một căn hộ tái định cư" có diện tích là bao nhiêu thì theo quy định của UBND cấp tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương. Hiệp hội lấy ví dụ như TP.HCM đã quy định "suất tái định cư tối thiểu" là căn hộ có diện tích 30m2.
Do vậy, Hiệp hội rất hoan nghênh Điều 41 "dự thảo Nghị định" quy định "suất tái định cư tối thiểu" là "đất ở" hoặc "nhà ở" hoặc trị giá "bằng tiền" để "phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư".
Đồng thời, thông qua các điều khoản về luật đất đai, HoREA kiến nghị không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng đối với người tái định cư được giao đất ở trong khu tái định cư đã có cơ sở hạ tầng theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương… Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.