Nợ quốc gia tăng vọt
Theo thông tin mới nhất, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhằm phục vụ mục đích chống lại lạm phát và kiềm chế các khoản nợ tăng cao. Đợt tăng lãi suất này cũng chấm dứt 15 tháng lãi suất thấp kỷ lục, khi nền kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu cải thiện.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol chủ trì cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ tại Seoul để quyết định tỷ giá chủ chốt cho tháng này (ảnh: BOK)
Về vấn đề này, Hội đồng chính sách tiền tệ của BOK đã bỏ phiếu tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,75 điểm phần trăm, trong cuộc họp ấn định tỷ giá lần thứ 6 của năm nay. Đồng thời đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái, khi BOK cắt lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018, BOK nâng lãi suất cơ bản.
Việc nâng lãi suất cơ bản nhằm giúp BOK giữ triển vọng tăng trưởng năm 2021 ở mức 4% và nâng triển vọng lạm phát năm 2021 lên 2,1%, từ mức 1,8%, báo hiệu các điều kiện đang được xây dựng để thắt chặt chính sách hơn nữa.
Chia sẻ với giới truyền thông, Thống đốc BOK, Lee Ju-yeol cho biết, quyết định tăng lãi suất không được nhất trí hoàn toàn, thậm chí một thành viên Hội đồng Quản trị đã thúc giục Ngân hàng Trung ương đóng băng lãi suất chủ chốt.
"Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất đưa ra dựa trên sự phục hồi kinh tế, lạm phát gia tăng và tình trạng mất cân bằng tài chính ngày càng trầm trọng. BOK sẽ theo dõi chặt chẽ sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19, khi quyết định về chính sách tiền tệ trong tương lai. Mặt khác, dịch bệnh không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước", Thống đốc Lee nhấn mạnh.
Thực tế, nợ quốc gia của Hàn Quốc theo ước tính, đã lần đầu tiên vượt qua 900 nghìn tỷ Won (770 tỷ USD) trong năm nay, mặc dù Chính phủ vẫn chưa công bố con số chính thức được cập nhật. Văn phòng Ngân sách Quốc hội tính toán rằng, nợ quốc gia - khoản nợ do chính quyền Trung ương và địa phương trực tiếp nắm giữ khoảng 938,9 nghìn tỷ Won. Con số chính thức mới nhất được Chính phủ công bố là 898,1 nghìn tỷ Won tính đến tháng 6. Điều này có nghĩa là, tổng số nợ đã tăng hơn 100 nghìn tỷ Won trong 9 tháng.
Ngay sau khi BOK điều chỉnh tăng lãi suất, chỉ số giá chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) tiêu chuẩn đã giảm 18,28 điểm, tương đương 0,58%, đóng cửa ở mức 3.128,53 điểm. Đồng nội tệ đóng cửa ở mức 1.170,5 won so với đô la Mỹ, giảm 2,4% so với đóng cửa phiên trước.
Nhà phân tích Kim Yong-koo của Samsung Securities đánh giá, việc BOK tăng lãi suất có vẻ giống như một cách đối phó với bong bóng trên thị trường tài sản, lạm phát và ngoại hối, hơn là một dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế thực tế.
Lạc quan vào dấu hiệu phục hồi
Tuy nhiên, phía Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đưa ra dự báo rằng: "Trong tương lai, nền kinh tế có khả năng sẽ tiếp tục phục hồi do tiêu dùng tư nhân sẽ cải thiện dần dần, cũng như tác động từ việc mở rộng tiêm chủng vaccine và thực hiện ngân sách bổ sung. Bên cạnh đó, xuất khẩu và đầu tư dự kiến sẽ duy trì đà tăng tốt.
Đồng thời, BOK sẽ tiếp tục điều chỉnh mức độ phù hợp của chính sách tiền tệ vì nền kinh tế Hàn Quốc có thể trưởng tốt trong tương lai và lạm phát ở mức trên 2% trong một thời gian, bất chấp những bất ổn đang diễn ra do dịch bệnh. Trong quá trình này, Hội đồng sẽ đánh giá khi nào cần điều và đánh giá kỹ lưỡng các diễn biến liên quan đến COVID-19, những thay đổi trong tốc độ tăng trưởng cũng như lạm phát, nguy cơ tích tụ mất cân bằng tài chính, hay thay đổi chính sách tiền tệ ở các nước lớn".
Theo dự báo, trong tương lai, nền kinh tế có khả năng sẽ tiếp tục phục hồi do tiêu dùng tư nhân sẽ cải thiện dần dần, cũng như tác động từ việc mở rộng tiêm chủng vaccine (ảnh: Internet)
Như vậy, với tuyên bố của BOK cũng nhằm ám chỉ Ngân hàng Trung ương có thể một lần nữa nâng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Quyết định của BOK được đưa ra trong bối cảnh cả nước đang chiến đấu chống lại đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay, với số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn trên 1.000 và đã diễn ra trong hơn 50 ngày qua.
Một chuyên gia kinh tế nhận định mặc dù xuất khẩu của Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhưng sức tiêu thụ yếu hơn đã đè nặng lên việc làm và gia tăng áp lực đến các nhà hoạch định chính sách. Cụ thể, xuất khẩu tăng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong 20 ngày đầu tháng 8 do nhu cầu tăng mạnh đối với chip, ô tô và các sản phẩm xăng dầu.
Paik Yoon-Min, nhà phân tích thu nhập cố định tại Kyobo Securities bình luận trên tờ The Straits Times: "Nếu có một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, thì có thể sẽ là tháng 11, vì sẽ có ít nhất 2-3 đợt tăng lãi suất, bao gồm cả cuộc họp mới đây, để giải quyết rủi ro mất cân đối tài chính".
Hiện nay, các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đang đặt nền móng cho việc chuyển đổi khỏi biện pháp kích thích thời kỳ khủng hoảng, vì những hỗ trợ khẩn cấp cho tăng trưởng đang có nguy cơ sụp đổ và làm nóng nhiều nền kinh tế.
Động thái của BOK diễn ra một ngày trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Jackson Hole hàng năm của Ngân hàng Trung ương Mỹ, nơi ông được cho là sẽ báo hiệu hướng đi trong tương lai của chính sách tiền tệ nước này.
Quyết định của BOK thể hiện rủi ro có tính toán rằng, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn đã tăng trở lại sau đợt đại dịch năm ngoái, đủ khỏe mạnh để bắt đầu cắt giảm kích thích, đặc biệt là khi nợ nần chồng chất nhanh chóng trở thành một vấn đề kinh tế lớn.
Điều đó trái ngược với New Zealand, quốc gia tuần trước đã trì hoãn đợt tăng lãi suất được mong đợi rộng rãi khi COVID-19 xuất hiện trở lại lần đầu tiên trong 6 tháng, gây ra sự không chắc chắn về sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Các nhà phân tích kỳ vọng, BOK sẽ tăng lãi suất trong năm tới, với hầu hết đều dự báo lãi suất cơ bản ở mức 1,25% vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gì chắc chắn là với động thái tăng lãi suất đầu tiên của mình, BOK đã kích hoạt và dẫn đầu chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á; bởi nhiều quốc gia trong khu vực châu Á vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch mới với biến chủng Delta, theo đó, các nhà điều hành đang thận trọng duy trì nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.