Ngày 19-7, tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết việc triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất (gọi tắt đề án 2419).
Ham lãi cao nên làm liều
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, thông báo tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến lại tinh vi và phức tạp hơn tại hầu hết các huyện, thị xã vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng.
Hằng ngày, có nhiều hộ sử dụng xuồng máy đi thu gom tôm nguyên liệu từ các hộ nuôi rồi sau đó tổ chức bơm chích tạp chất trước khi đem bán cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh để kiếm lời. Các đối tượng thường dùng chiêu xé lẻ nên khi phát hiện cũng rất khó xử lý. Cả năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 22 vụ vi phạm nhưng chỉ thu giữ được hơn 4 tấn tôm có chứa tạp chất.
Tôm thẻ ở vùng U Minh Thượng cũng bị vạ lây nên rớt giá thê thảm trong thời gian gần đây
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau... Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tham mưu cho Bộ NN-PTNT về việc giao thẩm quyền cho cấp huyện có chức năng xử lý các vụ vi phạm để kịp thời và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, kiểm tra số lượng tôm về các chợ đầu mối.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết cái khó của tỉnh là người dân và chính quyền xã, ấp đều biết nạn đưa tạp chất vào tôm nhưng lại làm ngơ hoặc không dám lên tiếng để ngành chức năng tỉnh ngăn chặn kịp thời. Thậm chí, có trường hợp chống người thi hành công vụ bằng cách đóng kín cửa cơ sở hoặc cho người làm công ra cản trở lực lượng chức năng để có thời gian tẩu tán tang vật.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng cuộc chiến với nạn bơm tạp chất đã diễn ra hơn chục năm nay nhưng chưa có hồi kết vì lợi nhuận mang về từ hành vi này còn cao hơn mua bán ma túy.
Sao không xử người đứng đầu?
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phần lớn các DN làm ăn chân chính không ai dám bơm chích tạo chất vào tôm vì như thế sẽ không thể xuất khẩu được. Bản thân VASEP cũng không có chức năng kiểm tra vi phạm mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo các DN về nhu cầu thị trường cũng như chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Do đó, VASEP yêu cầu các DN nên chung tay tẩy chay những người làm ăn gian dối để bảo vệ thương hiệu tôm Việt Nam.
"Hiện nay, có nhiều thương lái người Trung Quốc sang mua tôm sú rồi yêu cầu các cơ sở bơm tạp chất vào với số lượng để vận chuyển về nước tiêu thụ bằng đường biển thay vì đường bộ qua cửa khẩu như trước đây. Do vậy, các bộ, ngành cùng các địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ về vấn đề này. Cần đưa hành vi bơm tạp chất vào tôm vào án hình sự vì đây là dạng tội phạm thì may ra mới giải quyết được" - ông Hòe kiến nghị.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết thời điểm hiện tại chỉ có mỗi tỉnh Kiên Giang là thực hiện cam kết 100% cơ sở nuôi và thu mua chế biến trong khi các tỉnh còn lại trong vùng chưa thực hiện tốt. Đáng nói hơn là Sóc Trăng không phát hiện hay xử lý trường hợp nào trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa có trường hợp nào bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đình chỉ hoạt động. Với tình hình như hiện nay thì mục tiêu "đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước" theo đề án 2419 là khó có thể đạt được.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng cần phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chứ không thể nói khó, không làm được. "Tại sao các địa phương đều biết mà không xử lý hoặc xử lý chưa triệt để?" - ông Tám đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các tỉnh nên thiết lập ngay đường dây nóng để kịp thời phát hiện, xử lý. "Hình như lãnh đạo các tỉnh đã "quên" việc xử lý người đứng đầu địa phương để xảy ra bơm tạp chất. Cuộc chiến này rất cần có sự chung tay của các DN vì chỉ có họ mới biết rõ những mánh khóe của nhau để báo cho cơ quan thẩm quyền xử lý" - ông Tám khẳng định.