Bước sang nửa cuối 2020, tại hai cuộc họp gần nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai lần đặt vấn đề xem xét chính sách tài khóa và tiền tệ.
Lần thứ nhất, Thủ tướng đặt “đề bài”, việc duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ như hiện nay có đúng hay không, khi mà nhiều nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách để kích thích tăng trưởng.
Lần thứ hai, Thủ tướng nhận định dư địa chính sách tài chính, tiền tệ còn lớn cho kích cầu; tiếp tục xem xét hạ lãi suất , giảm thuế phí.
Vậy, ở chính sách tiền tệ, bơm tiền hiện nay khác với trước đây như thế nào? Câu hỏi đặt ra, vì vẫn còn đó ám ảnh lạm phát phi mã và lãi suất leo thang trong quá khứ sau những cuộc bơm tiền lớn.
Câu chuyện của năm 2009
So sánh có những khập khiễng, song có những điểm hiện nay khá giống với năm 2009, ở đề bài bơm tiền kích thích tăng trưởng.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Một năm sau, suy giảm kinh tế lan rộng. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt giảm lãi suất về gần 0, ồ ạt bơm tiền.
Việt Nam nằm trong vòng xoáy đó. Kích cầu trở thành yêu cầu trọng tâm. Trên Báo cáo thường niên năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước, “nới lỏng” và “bơm tiền” cũng là những từ xuất hiện ngay các trang đầu.
Nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam khi đó đã khởi động một năm bận rộn bằng 2 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND. Mục đích nêu rõ: “Tăng cường cung ứng vốn, chống suy giảm kinh tế”.
Các lãi suất điều hành cũng đồng loạt giảm. Thời đó còn dùng lãi suất cơ bản. Riêng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu liên tiếp 2 lần giảm chỉ trong vòng hơn hai tháng.
Cùng đó, van bơm vốn trên thị trường mở (OMO) thường xuyên mở, bơm ròng quy mô ban đầu 6.000 tỷ đồng/phiên đến cuối năm lên tới xấp xỉ 15.000 tỷ đồng/phiên. Ngược lại, hoạt động điều tiết có thực hiện phát hành tín phiếu nhưng hầu như không thấm hút được tiền về (chỉ 2/68 phiên bán được tín phiếu với doanh số vỏn vẹn 102 tỷ đồng).
Kết năm 2009, quy mô bơm tiền được đo lường cụ thể. Tổng phương tiện thanh toán tăng tới 28,99%, cao hơn nhiều so với mức 20,31% của 2008. Tăng trưởng tín dụng còn tăng cao hơn nữa với 37,53%, cũng cao hơn nhiều so với 23,38% của năm 2008.
Khi đó Ngân hàng Nhà nước lý giải, “chủ yếu do tác động của các chính sách kích thích kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của đất nước”.
Song song, 2009 có chính sách đặc biệt: cấp bù lãi suất cho vay 4%/năm. Tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất lên tới 385.824 tỷ đồng. Đây là quy mô lớn, vì khi đó dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ trong khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng.
2020 đang rất khác biệt
Sau câu chuyện bơm tiền 2009, kinh tế Việt Nam đón một năm 2010 khởi sắc trở lại của tăng trưởng GDP (đạt 6,78%, vượt mục tiêu 6,5%).
Nhưng đó cũng là khởi đầu cho cú hồi mã thương của lạm phát và lãi suất, khi bơm tiền vẫn ở quy mô lớn với tổng phương tiện thanh toán tiếp tục tăng tới 33,3%, tín dụng tăng tới 31,9% trong năm 2010.
Ngay năm sau, 2011, khủng hoảng và tình trạng mấp mé bờ vực đổ vỡ thanh khoản hệ thống ngân hàng xẩy ra, nợ xấu lộ thiên quy mô lớn, lạm phát và lãi suất leo thang…
Như trên, so sánh có những khập khiễng. Nhưng liệu câu chuyện bơm tiền hiện nay, khi vấn đề kích cầu và hỗ trợ tăng trưởng GDP đặt ra, có khiến những ám ảnh quá khứ đó trở lại?
Có quá nhiều khác biệt khi so sánh hiện nay với câu chuyện bơm tiền kích cầu năm 2009.
Về nguyên nhân và bối cảnh, cuộc khủng hoảng 2008 dẫn đến suy giảm và bơm tiền kích cầu 2009 có yếu tố bong bóng tài sản vỡ, cho vay dưới chuẩn vỡ… sau giai đoạn tăng trưởng nóng.
Nay, kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng có nguyên do đứt gãy, giãn đoạn và cả đổ vỡ chuỗi sản xuất, cung - cầu, dòng tiền bởi yếu tố tự nhiên và bất thường là Covid-19.
Nói cách khác, bơm tiền trong so sánh này có tác động và đứng trên hai nền khác nhau.
Năm 2009, nền bơm tiền còn bị bủa vây, sụt lún và tiêu hao mạnh mẽ bởi các “rốn” hút tiền lớn.
Trước hết, tỷ giá USD/VND tăng cao (năm 2009 tăng 5,6%), thâm hụt thương mại lớn, ngoại tệ phải bơm ra và qua đó hút VND về, trong khi ngoại tệ lại găm giữ trong dân cư và doanh nghiệp (khi đó đã từng phải có biện pháp kết hối), rồi phải chi ngoại tệ để nhập vàng về...
Thứ nữa, giá vàng trong nước tăng tới 60% năm 2009, tạo “rốn” hút tiền mạnh mẽ với nhiều làn sóng đầu cơ nóng bỏng.
Rồi kênh chứng khoán cũng hút tiền vào rất lớn, khi mà chỉ số VN-Index tăng tới 56,8% so với cuối năm 2008, tăng tới 110% so với điểm đáy ngày 24/2/2009 và giá trị giao dịch bình quân trên sàn tăng gấp đôi so với 2008.
Nay, các mặt trận vàng và ngoại tệ đã được bình ổn, không còn là những “rốn” đầu cơ hút tiền mạnh mẽ như trước. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp mua ròng lượng lớn ngoại tệ, cũng là một kênh bơm tiền ra mà trước đây không có nhiều điều kiện để thực hiện.
Cũng chính để trung hòa lượng lớn VND đưa ra mua ngoại tệ, phần lớn trong nửa đầu năm nay, thay vì bơm thì Ngân hàng Nhà nước lại phải liên tục hút bớt lượng lớn tiền về, mà phải đến đầu tháng 6 vừa qua nguồn này mới dần trở lại thị trường. Rồi từ đó đến nay, van trên OMO cũng gần như không bơm ra “giọt” nào thay vì liên tục như hồi 2009.
Nguồn vốn hệ thống ngân hàng dồi dào hay khô hạn là trạng thái để xem xét bơm tiền. Trạng thái này phản ánh lên lãi suất. Năm 2009, lãi suất huy động VND có kiểu kẻ thẳng các kỳ hạn trên 10% (do cơ chế áp trần). Hiện nay thì phần lớn đã rút xuống dưới 6,5%/năm; lãi suất liên ngân hàng đang duy trì đáy lịch sử gần 0% qua đêm và các kỳ hạn ngắn…
Một trong những khác biệt lớn nhất là sức hấp thụ vốn. 2009 bơm tiền càng nhiều càng… thiếu, khi thanh khoản và lãi suất dồn căng lên cuối năm; và như trên, cung tiền và tín dụng tăng tới 28,99% và 37,53%. Còn nay, đã nửa năm trôi qua tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn loay hoay quanh 3%, mà một nguyên nhân chính là cầu yếu, sức hấp thụ vốn hạn chế.
Liên quan đến tín dụng và bơm tiền, khác biệt lớn nữa là cơ chế, giới hạn bởi các hàng rào pháp lý đã được thiết lập lại, với những khung khổ mới, chặt chẽ hơn. Ví dụ như, bơm tiền trước đây có đòn bẩy tín dụng kê từ hàng trăm tấn vàng thì nay đã loại trừ…
Tuy vậy, trước vấn đề Thủ tướng Chính phủ đặt ra nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đã gợi mở hướng xem xét giải pháp mạnh, nếu cần, bơm tiền qua tái cấp vốn các dự án trọng điểm. Theo đó, hoạt động bơm tiền năm nay có thể sẽ thể hiện rõ hơn về lượng vào nửa cuối năm.
Tất nhiên, bơm tiền năm 2020 không chỉ riêng ở chính sách tiền tệ. Hiện Chính phủ cũng đang ráo riết thúc đẩy, để làm sao bơm được tiền ra ở kênh giải ngân đầu tư công, với quy mô lên tới 700.000 tỷ đồng mà nửa đầu năm mới chỉ thực hiện được khoảng 33%.