Sau một thời gian dài đồn đoán về "ẩn số" Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), mới đây, Bộ Công Thương đã công bố chào bán 343,66 triệu cổ phần tại Sabeco với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu.
Thương hiệu chỉ còn là cái tên?
Với giá cổ phiếu được đánh giá là "đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào" của Sabeco, thương vụ thoái vốn gần 11.000 tỉ đồng - con số lớn nhất từ trước đến nay cho một lần thoái vốn - chỉ dành cho nhà đầu tư có tiềm lực cực lớn. Trong đó, khối nhà đầu tư bỏ vốn vào với mong muốn sinh lời đơn thuần, chủ yếu là các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán sẽ không "mặn mà" với thương hiệu có mức giá quá "chảnh".
Còn nhà đầu tư hướng tới thâu tóm thị trường, đặc biệt là khối nước ngoài, thì động lực để họ nỗ lực nắm trong tay hoặc chia nhau nắm trên 53% cổ phần là rất lớn. Nhất là khi Sabeco đã tự tạo lập được một nền tảng vững chắc, bao gồm công nghệ, hệ thống phân phối, bán lẻ... mà các hãng đối thủ khác không thể làm được. "Sabeco có 24 nhà máy, có quan hệ với 1.200 nhà phân phối. Nhà đầu tư nước ngoài thừa khôn ngoan để tận dụng các nhà máy sản xuất; chiếm lĩnh hệ thống phân phối, bán lẻ mà người Việt đã tốn công gây dựng để đưa sản phẩm của họ vào" - một chuyên gia nhận định.
Ông Võ Hữu Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, cho rằng mức giá "khủng" của thương hiệu bia Sài Gòn chủ yếu đến từ "những giá trị từ lòng tự hào với sản phẩm bia Sabeco, lòng tự hào của người Sài Gòn, người Việt Nam". Người tiêu dùng sẽ chấp nhận tất cả sản phẩm trong hệ thống, bất kể là do Sabeco sản xuất hay ở bên ngoài vào.
Việc định giá cổ phiếu quá cao có thể khiến đợt thoái vốn Sabeco vào ngày 18-12 tới không thành công hoặc nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ giá cao hơn để thâu tóm doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Thạnh
Việc định giá cổ phiếu quá cao có thể khiến đợt thoái vốn Sabeco vào ngày 18-12 tới không thành công hoặc nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ giá cao hơn để thâu tóm doanh nghiệpẢnh: Tấn Thạnh
Với ý nghĩa như vậy, giới chuyên gia cảnh báo mánh lới của nhà đầu tư "cá mập" có thể là: dùng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng; liên kết, bắt tay nhau nhằm giành được lợi thế chi phối, thậm chí "đội lốt" doanh nghiệp (DN) trong nước để chiếm được thị phần vượt quy định...
Thực tế, chuyện này không phải là không có tiền lệ. Unilever mua lại kem đánh răng P/S rồi cậy nhờ hệ thống này để đưa kem đánh răng Close-Up vào thị trường Việt Nam. Carlsberg mua lại thương hiệu bia Huda, Halida nhưng từ đấy, các tên tuổi này nhạt nhòa dần, dù không hẳn là bị xóa sổ. Mặc dù vậy, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho hay nhà đầu tư mua phần vốn nhà nước tại Sabeco với mục đích mua cả thương hiệu nên tất nhiên không lo mất thương hiệu nhưng những ví dụ trên vẫn là bài học lớn đối với thương vụ 11.000 tỉ đồng của Sabeco.
Người thổi giá, kẻ bị dìm
Cũng là cổ phiếu ngành bia được quan tâm, Habeco dự kiến phương án bán toàn bộ 81,8% cổ phần nhà nước tại DN này. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán TP HCM, văn bản thỏa thuận với Carlsberg - cổ đông bước chân vào Habeco gần 10 năm nay - gây ra vướng mắc không nhỏ cho Habeco. Cụ thể, cổ phiếu trung bình của Habeco cao gấp đôi mức giá mà Carlsberg muốn đàm phán nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi, việc bán cổ phần nhà nước tại Habeco vừa phải dành quyền ưu tiên mua cho đối tác vừa phải bảo đảm giá trị bán thu về cho ngân sách nhà nước một cách tối ưu. Và đáng lo là theo Công ty Chứng khoán TP HCM, hiện giá bán cổ phần chưa được thống nhất và có thể còn thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Ngược lại với Habeco, Sabeco đã chào giá với mức giá gần như là "phi lý" và còn tiếp tục tăng cao sau buổi công bố thông tin. Với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của mỗi cổ phiếu) hơn 50 lần, cổ phiếu của Sabeco đang đắt gấp đôi cổ phiếu các công ty bia trong khu vực, cao hơn rất nhiều so mức định giá 16 lần của Asahi, 21 lần đối với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken. Nhà đầu tư trong buổi roadshow đã không khỏi băn khoăn khi với giá cao như thế, tính thanh khoản lại thấp và số cổ phiếu trên thị trường còn ít, liệu Sabeco có hoàn thành mục tiêu thoái vốn một lần với hơn 53%?
Nhiều đồn đoán không chính thức cho rằng mức giá cổ phiếu Sabeco trên thị trường được đẩy lên quá cao là bởi nhiều nhóm nhà đầu tư có dấu hiệu "làm giá" với mục đích khác nhau. Trong đó, một bộ phận lợi dụng thông tin "nhỏ giọt" bên thềm thoái vốn để "lướt sóng" kiếm lời; một số khác muốn ôm cổ phiếu đầu ngành này, không muốn bán bớt khiến mức giá của Sabeco thực sự là mức giá thử thách nhà đầu tư.
Góc khuất thất thoát đất vàng
Một câu chuyện khác không kém phần nóng bỏng là mối lo thất thoát "đất vàng". Thực tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các đợt thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước không nhắm vào giá trị DN mà chủ yếu đến từ hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn mét vuông đất mà các DN này đang nắm hoặc quản lý.
Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện CPH gần 140 DN nhà nước, trong đó có nhiều DN sở hữu "đất vàng". Tuy nhiên, giá trị đất đưa vào quá trình CPH DN nhà nước không bao gồm đất thuê của nhà nước và không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê đã khiến nhà nước thất thu cả ngàn tỉ đồng. Có tình trạng chủ mới của các DN tìm cách để chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất mà họ ký hợp đồng tiếp tục thuê với nhà nước. Bằng chứng là theo rà soát mới đây của Bộ Tài chính, 60 dự án với diện tích 834.000 m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại để bán và cho thuê, có dấu hiệu làm thất thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, còn tồn tại việc xác định giá trị DN không tính giá trị quyền sử dụng đất, không đấu giá khi CPH; xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng chưa sát với giá thị trường.
Đại diện Bộ Công Thương:
Không để xảy ra thao túng thị trường
Sabeco là mảnh đất màu mỡ nên cần có những quy định nhất định để chặn thao túng, độc quyền, lành mạnh thị trường, tạo cơ hội cho các DN khác phát triển công bằng. Cụ thể, trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% thì thực hiện báo cáo Ban Tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng dự kiến mua. Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương bởi khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco, có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính:
Không để DN lợi dụng "ôm đất"
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định về CPH DN nhà nước. Điểm mới đáng chú ý là đưa giá trị đất (cả thuê và giao) tính vào giá trị DN, bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất. Theo đó, yêu cầu DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch sẽ bị thu hồi. Dự thảo cũng bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, có khả năng sinh lời.
Những thay đổi này sẽ ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục "ôm" lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công:
Tách bạch tài sản đất đai
Cần sửa quy định không tính giá đất vào giá trị DN nếu như đó là đất thuê trả tiền hằng năm. Cần gộp đất đai vào các tài sản khác tạo thành tổng tài sản của DN và cần đấu giá công khai toàn bộ giá trị DN, gồm cả đất đai. Ngoài ra, cần điều chỉnh hệ thống phí chuyển quyền sử dụng đất thành thuế bất động sản và xử lý nghiêm những tiêu cực. Đối với đất đai nhà nước giao cho DN hoặc tổ chức để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thì phải trả về cho nhà nước trước khi CPH. Nếu đất này không trả về thì phải tách riêng để định giá.
Cần phải tách bạch được tài sản đất đai ra khỏi thương hiệu, lao động, cơ sở vật chất cố định khác, đồng thời bổ sung tiêu chí nguồn gốc tài sản để có hướng xử lý, chặn tình trạng DN chỉ "nhăm nhe" nhảy vào chiếm đất.