VN-Index duy trì đà giảm trong tháng 5 do tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường. Trong Báo cáo chiến lược tháng 6 mới công bố, Chứng khoán VNDirect cho rằng đà bán tháo của thị trường đến từ một số nguyên nhân chính (1) FED thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn để kiểm soát lạm phát (2) lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và thắt chặt các điều kiện trên thị trường tài chính toàn cầu (3) diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Về triển vọng thị trường trong tháng 6, đội ngũ phân tích VNDirect cho rằng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện.
Thứ nhất, tình hình dịch Covid-19 được cải thiện ở Trung Quốc là tin vui cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội ở Thượng Hải, cho phép giao thông công cộng và các trung tâm thương mại mở cửa trở lại từ ngày 22/05. Trung Quốc đặt mục tiêu Thượng Hải mở cửa trở lại hoàn toàn vào giữa tháng 6. Đồng thời, quốc gia này cũng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số thành phố lớn, giúp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nguồn: VNDirect
Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm giảm lãi suất cơ bản cho vay 5 năm (LPR) 15 điểm cơ bản xuống 4,45%, mức giảm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc sửa đổi cơ chế vào năm 2019. LPR kì hạn một năm không đổi ở mức 3,70%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang bơm tiền vào nền kinh tế với quy mô khoảng 5 nghìn tỷ USD (theo ước tính của Bloomberg) để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, tốc độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những quý tới. Chuyên gia phân tích kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý 2, cải thiện từ mức tăng trưởng 5,0% trong quý 1. Trong năm 2022, VNDirect dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ.
Nguồn: VNDirect
Những hỗ trợ chính đến từ (1) mức cơ sở thấp trong quý 3/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6,0%, (2) việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí, (3) các gói kích thích kinh tế mới (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng...), (4) dòng vốn FDI phục hồi sau khi chính phủ cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế và (5) hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ.
Thứ ba, chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 20/5, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 31 về việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay vốn. Khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được sử dụng để hỗ trợ, tương đương với khoảng 1.000.000 tỷ đồng tín dụng trong đợt ưu đãi này (theo tính toán của Bộ Tài chính).
Gói này tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm quốc gia, và doanh nghiêp kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải). Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất trong thời gian tối đa là hai năm, đến cuối năm 2023.
Nguồn: VNDirect
"Chúng tôi kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động", báo cáo nêu rõ.
Thứ tư, triển vọng mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-2023. Chuyên gia phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng 21% so với cùng kỳ trong hai năm tới. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp đôi tốc độ của 15 năm qua. Tăng trưởng LN một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ năm 2022, bao gồm Hàng công nghiệp và Dịch vụ (đóng góp lớn từ ACV), Bán lẻ và Bất động sản trong khi tăng trưởng của nhóm Dầu khí, Tiện ích và Công nghệ vẫn tương đối mạnh.
Nguồn: VNDirect
Theo dữ liệu lịch sử, VN-Index hầu hết ghi nhận mức tăng trưởng dương trong những năm mà tăng trưởng LN của các doanh nghiệp niêm yết cao trên 10% (bình quân 15 năm), ngoại trừ năm 2010 khi Việt Nam phải đối mặt với lạm phát cao và vụ vỡ nợ của Vinashin.