Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có 3 thành viên tái cử gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình (sinh năm 1953, 69 tuổi), nguyên Bí thư Ban Bí thư Vương Hộ Ninh (sinh năm 1955, 67 tuổi) và nguyên Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Lạc Tế (sinh năm 1957, 65 tuổi).
Ông Thái Kỳ và ông Triệu Lạc Tế (từ trái sang phải). Ảnh: Bích Thuận
Bốn gương mặt mới tham gia Ban Thường vụ gồm ông Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải (sinh năm 1959, 63 tuổi), ông Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh (sinh năm 1955, 67 tuổi), ông Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng (sinh năm 1962, 60 tuổi) và ông Lý Hy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (sinh năm 1956, 66 tuổi).
Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường
Theo danh sách công bố trong thông cáo Hội nghị Trung ương 1 khóa XX, người xếp thứ hai chỉ sau Tổng Bí thư Tập Cận Bình là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường.
Ông Lý Cường, người gốc Chiết Giang, sau khi tham gia công tác năm 1976, ông đã có tới 40 năm làm việc tại đây và từng là Tỉnh trưởng tỉnh này.
Các ông Lý Cường, Vương Hộ Ninh và Đinh Tiết Tường (từ trái sang phải). Ảnh: Bích Thuận
Nếu như năm 2002 ông Tập Cận Bình trở thành Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, thì năm 2004 ông Lý Cường từ Bí thư Thành ủy Ôn Châu thuộc tỉnh này, được đề bạt lên làm Tổng Thư ký Tỉnh ủy Chiết Giang và trở thành Thư ký của ông Tập Cận Bình. Trong 5 năm ông Tập làm việc tại Chiết Giang có 3 năm ông Lý Cường giúp việc cho ông Tập.
Sau Đại hội XVIII năm 2012 không lâu, ông Lý Cường lên làm tỉnh trưởng Chiết Giang vào đầu năm 2013 và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô từ năm 2016 đến năm 2017. Sau Đại hội XIX năm 2017, ông Lý Cường được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Những thành tích mà ông đạt được trong thời gian làm lãnh đạo Chiết Giang được công nhận rộng rãi. Trong thời gian làm việc tại Thượng Hải, ông cũng được người dân khen ngợi. Trước khi bị phong tỏa hồi đầu năm, Thượng Hải từng có thời gian được coi là “hình mẫu ưu tú” về phòng chống Covid-19 chính xác hiệu quả ở Trung Quốc.
Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ
Ông Thái Kỳ là người đứng vị trí thứ 5 trong danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX. Ông cũng là Bí thư Ban Bí thư khóa mới và được xếp vị trí đầu tiên, nên được truyền thông quốc tế gọi là Bí thư thứ nhất. Vị trí này đồng nghĩa với việc ông sẽ là người kế nhiệm ông Vương Hộ Ninh phụ trách công tác đảng và tư tưởng.
Ông Lý Hy và ông Thái Kỳ (từ trái sang phải). Ảnh: Bích Thuận
Là người Phúc Kiến, ông Thái Kỳ đã có tới 20 năm làm việc với ông Tập Cận Bình ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Sau khi ông Tập được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội XVIII năm 2012, ông chuyển từ địa phương lên Trung ương năm 2014 và giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, chức vụ tương đương với Bộ trưởng. Ông trở thành Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh vào năm 2016 và lên chức Bí thư một năm sau đó. Ông cũng đã tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2/2022 trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.
Trong thời gian diễn ra Đại hội XX, ông Thái Kỳ khi phát biểu trong thảo luận tại Đoàn đại biểu Bắc Kinh đã ủng hộ “hai xác lập” và gọi Tổng Bí thư Tập Cận Bình là “người dẫn đường của toàn đảng và nhân dân các dân tộc cả nước trong thời đại mới, vị lãnh tụ nhân dân mà chúng tôi chân thành yêu mến”.
Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường
Người đứng ở vị trí thứ 6 là ông Đinh Tiết Tường. Ông là thành viên trẻ tuổi nhất và cũng là thành viên 6x duy nhất của Ban Thường vụ khóa XX.
Ông quê ở Giang Tô và bước vào chính trường khi đã gần 40 tuổi. So với những người cùng cấp bậc, gia cảnh của ông ít được biết đến do thông tin công khai về ông trên truyền thông Trung Quốc không nhiều.
Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường (Ảnh: Reuters).
Theo thông tin lý lịch công khai, ông có thời gian dài làm việc ở Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp Học viện Máy móc hạng nặng Đông Bắc ở Hắc Long Giang năm 1982, ông làm việc ở Viện Nghiên cứu Vật liệu Thượng Hải (SRIM) trong suốt 17 năm. Ông từng bước được thăng chức từ một nhà nghiên cứu khoa học bình thường lên Chánh văn phòng, Trưởng Ban Tuyên truyền, Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng. Trong thời gian này, ông còn học quản trị hành chính tại Đại học Phúc Đán và lấy bằng thạc sĩ khoa học.
Năm 1999, ông Đing Tiết Tường, khi đó đã 37 tuổi, mới chính thức bước vào chính trường và được bổ nhiệm vào các chức vụ ở Ủy ban Khoa học và Công nghệ thành phố Thượng Hải và Quận ủy Sạp Bắc. Năm 2004, ông được bầu vào Thành ủy Thượng Hải và đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng ban Tổ chức, Cục trưởng Cục Nhân sự, Phó Tổng thư ký Thành ủy và Chánh văn phòng.
Từ tháng 3 đến tháng 10/2007, ông Tập Cận Bình từng có quãng thời gian ngắn giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông Đinh Tiết Tường, khi đó là Chánh văn phòng, đã trở thành thư ký của ông Tập. Vào tháng 5 cùng năm, ông được đề bạt làm Thường vụ kiêm Tổng thư ký Thành ủy.
Nếu như ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư vào cuối năm 2012, thì ông Đinh Tiết Tường được điều chuyển đến Bắc Kinh và làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng vào năm sau.
Tháng 6/2008, tạp chí “Công tác thư ký” do Cục Thư ký thuộc Văn phòng Trung ương Đảng phụ trách, từng đăng một bài viết của ông Đinh Tiết Tường nói về kinh nghiệm làm thư ký. Khi đó đang là Tổng thư ký Thành ủy Thượng Hải, ông đã viết, làm công việc thư ký, phải có ý thức “Thân tại binh vị, hung vi soái mưu” (thân ở vị trí của lính, lòng mưu việc cho tướng), “Làm việc ở Văn phòng đảng ủy, tuy vất vả mệt mỏi, nhưng vì được làm việc bên cạnh lãnh đạo, nên có ưu thế tự nhiên là hiểu ý lãnh đạo, bám sát tư duy lãnh đạo, có thể học hỏi và lĩnh hội phương pháp tư duy và nghệ thuật lãnh đạo ở khoảng cách gần nhất... điều này sẽ mang lại lợi ích suốt đời cho mọi người”.
Năm 2013, ông Đinh Tiết Tường từ Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thượng Hải đã được bổ nhiệm lên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng. Không lâu sau, ông kiêm nhiệm cả chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước để hỗ trợ công việc toàn diện cho ông Tập Cận Bình. Sau Đại hội XIX năm 2017, ở 55 tuổi, Đinh Tiết Tường được bầu vào Bộ Chính trị, trở thành Bí thư Ban Bí thư và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.
Những người từng làm việc với ông Đinh Tiết Tường nhận xét ông là người dễ gần, có thể hòa đồng với cấp dưới và không hề tỏ ra quan cách. Trong suốt 10 năm qua, ông luôn tháp tùng Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong các chuyến thị sát địa phương hoặc các chuyến công du nước ngoài.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy
Ông Lý Hy là người Cam Túc và từng làm việc ở đây suốt một thời gian dài khi còn trẻ. Vào những năm 1980, ông từng là thư ký của Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc khi đó là Lý Tử Kỳ - một thuộc cấp dưới quyền của ông Tập Trọng Huân, cha của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Năm 2004, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ kiêm Tổng Thư ký Tỉnh ủy Thiểm Tây, hai năm sau đó ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Diên An thuộc tỉnh này.
Tân ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc Lý Hy (Ảnh: Reuters).
Tháng 8/2007, ông Tập Cận Bình, khi đó là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã gặp một phái đoàn của thành phố Diên An do ông Lý Hy dẫn đầu; năm 2008, ông từng chuyển một bức thư của ông Tập Cận Bình tới làng Lương Gia Hà của Diên An. Làng này từng là nơi ông Tập Cận Bình lao động sản xuất trong suốt 7 năm thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa.
Năm 2011, ông Lý Hy lần đầu tiên rời vùng Tây Bắc và trong 4 năm đảm nhận 4 cương vị khác nhau. Đầu tiên, ông làm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thượng Hải, hai năm sau trở thành Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2014, ông chuyển đến Liêu Ninh và trở thành Tỉnh trưởng Liêu Ninh. Năm 2015, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.
Ngoài ra, quê ông ở huyện Lưỡng Đương, tỉnh Cam Túc. Đây từng là nơi mà cha của ông Tập Cận Bình, “Nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc” Tập Trọng Huân, phát động “cuộc binh biến Lưỡng Đương”.
Năm 2013, một năm sau Đại hội XVIII, nhiều nơi ở Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Tập Trọng Huân. Ông Lý Hy, khi đó là Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã xuất hiện tại Cam Túc vào tháng 10 cùng năm để tham dự một cuộc tọa đàm tưởng nhớ ông Tập Trọng Huân và bàn về vị thế lịch sử của “cuộc binh biến Lưỡng Đương”. Cùng dự còn có em trai của ông Tập Cận Bình là Tập Viễn Bình.
Sau Đại hội XIX năm 2017, ông Lý Hy được bầu vào Bộ Chính trị và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Đây là một tỉnh kinh tế lớn của Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo của nước này, như Uông Dương, Trương Đức Giang, Lý Trường Xuân đều từng kinh qua chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông./.