Hà Nội yêu cầu phá dỡ, quận muốn cho tồn tại?
Như VietNamNet thông tin, mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND quận Ba Đình kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji xây dựng đài phun nước lấn chiếm vẻ hè ngay trước Tòa nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp (Doji Tower) tại số 5 Lê Duẩn (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).
Đồng thời, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ công trình vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan khu vực.
Bồn hoa tiểu cảnh nằm trên vỉa hè tại điểm giao của ngã tư đường Lê Duẩn giao với đường Nguyễn Thái Học, UBND quận Ba Đình cho rằng, không ảnh hưởng tới giao thông, có tác dụng ngăn người đi bộ đi xuống lòng đường tại góc ngã tư bị hạn chế tầm nhìn, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. |
Theo tìm hiểu, sau chỉ đạo trên, UBND quận Ba Đình đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo kết quả cải tạo, hoàn trả vỉa hè tại công trình Doji Tower. Tòa nhà tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay ở ngã Tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học, được coi khu “đất vàng” của Thủ đô do Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là chủ đầu tư. Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji được uỷ quyền thực hiện.
Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, trong quá trình xây dựng (7/2010 – 6/2019), UBND quận Ba Đình đã cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè phố Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học để lập hàng rào tạm phục vụ việc tổ chức thi công đảm bảo trật từ đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Trong đó có nội dung: Sau khi công trình hoàn thành xong phải hoàn trả, sửa chữa vỉa hè theo đúng quy định. Khi hoàn thiện xong công trình, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã hoàn thiện xong công trình, hoàn trả lại hè phố phù hợp với quy định và yêu cầu của UBND quận Ba Đình.
Vào giữa tháng 9/2019, tòa nhà Doji Tower số 5 Lê Duẩn chính thức khai trương. Thế nhưng, ngay từ khi mới khai trương, chủ đầu tư Doji Tower đã tự ý xây dựng một bồn hoa ngay trên vỉa hè chung khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Được biết, trong tháng 10/2019 UBND phường Điện Biên đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu chủ đầu tư công trình khắc phục hậu quả vi phạm, nhưng đến nay công trình vẫn ngang nhiên tồn tại gây bức xúc dư luận.
Việc công ty có xây dựng tiểu cảnh bồn hoa trên vỉa hè tại góc phố Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học, theo báo cáo UBND quận Ba Đình là để tạo cảnh quan, điểm nhấn cho không gian chung xung quanh công trình.
Dù xây dựng lấn chiếm vỉa hè tuy nhiên UBND quận Ba Đình khẳng định qua kiểm tra, bồn hoa không ảnh hưởng tới giao thông (đã dành 2,2 m cho người đi bộ trên hè).
“Đồng thời có tác dụng ngăn người đi bộ đi xuống lòng đường tại góc ngã tư bị hạn chế tầm nhìn, nhằm đảm bảo an toàn giao thông” – báo cáo của UBND quận Ba Đình nêu.
Khu vực vỉa hè trước tòa nhà Doji Tower được chủ đầu tư lát đá khác hoàn toàn với gạch lát vỉa hè xung quanh, theo kiểu “đế vương” khác thường. |
Bên cạnh đó, UBND quận cho rằng, việc xây dựng bồn hoa trên hè tại vị trí này cũng như tại các vị trí khác trên hè, giáp với lòng được là phù hợp với các dự án cải tạo, lát mới lại hè phố của quận cũng như chủ trương chung của Thành phố, tạo thêm không gian xanh, cảnh quan đô thị.
Được biết, trước đó Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã có văn bản đề nghị UBND quận Ba Đình cho phép chỉnh trang lại tiểu cảnh nhằm hoàn thiện đẹp hơn và phù hợp hơn với cảnh quan chung của khu vực. Nêu quan điểm về việc này, UBND quận Ba Đình cho hay: “sẽ phối hợp, hướng dẫn công ty thực hiện đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và thành phố”.
Không hợp lý, không phù hợp kiến trúc cảnh quan
Trong khi UBND quận Ba Đình cho rằng, đài phun nước của toà nhà Doji Tower nằm trên vỉa hè tại góc phố Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học không ảnh hưởng tới giao thông, đồng thời có tác dụng ngăn người đi bộ đi xuống lòng đường tại góc ngã tư bị hạn chế tầm nhìn, nhằm đảm bảo an toàn giao thông thì theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) Hà Nội đây chỉ là quan điểm của địa phương, cần phải xem xét đến ý kiến rộng rãi đặc biệt những nguyên lý, lý thuyết về không gian kiến trúc cảnh quan.
Cũng theo ông Nghiêm, việc tạo ra điểm nhấn và đặc biệt biệt là không gian ở ngã tư thì phải xem xét tổng thể cả ngã tư các nút giao thông.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, góc ngã tư đường thì không cần tạo ra điểm gì quá nhấn mạnh để làm ảnh hưởng đến giao thông, kiến trúc tiểu cảnh nhỏ không thể nói đó là điểm nhấn. |
“Góc ngã tư đường thì không cần tạo ra điểm gì quá nhấn mạnh để làm ảnh hưởng đến giao thông. Không phải ngẫu nhiên lại quy định tại các ngã tư đường phải vát chứ không thẳng, rồi góc vát cũng phải có quy định, hè thì phải để thông thoáng. Những điều này đều đã có những quy định mang nguyên tắc chung. Thậm chí, trong tiêu chuẩn người ta còn quy định tại những ngã tư đó không làm lối ra vào toà nhà. Hà Nội có thiết kế quy định về vỉa hè, bậc lên xuống thậm chí cây trồng còn có quy định thì không thể lấy quan điểm làm điểm nhấn như vậy được” – vị nguyên Giám đốc Sở QHKT nêu quan điểm.
Theo ông Nghiêm kiến trúc tiểu cảnh nhỏ không thể nói đó là điểm nhấn. Như vậy là không hợp lý, không hài hoà phù hợp với lý thuyết chung về kiến trúc cảnh quan.
“Ở Hà Nội ta có thể thấy vườn hoa đối diện với nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ) hay gọi là vườn hoa Con Cóc, đấy mới là không gian nhấn. Hay tại sao tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đặt ở góc đường nhưng phải đặt lùi như vậy thì mới tạo ra được điểm nhấn. Đó mới là lý thuyết phù hợp chứ không phải kiến trúc tiểu cảnh nhỏ cũng thành điểm nhấn được” – ông Nghiêm nhấn mạnh.
Tuấn Linh