Cuối tháng 6/2015, chào đón Donald Trump tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng là những tiếng la hét, vài sự tò mò hay chỉ là những cảnh tượng được dàn dựng. Những người lạc quan nhất cũng chỉ nghĩ rằng Donald Trump sẽ là biểu tượng mang tính giải trí chứ chẳng thể tác động được gì tới cuộc đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.
Đúng 4 năm sau, khi ông Trump tái khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2, chẳng ai nghi ngờ gì việc ông Trump chính là lực lượng thống trị trên chính trường nước Mỹ. Ngày 18/6/2019, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ có sự kiện chính thức, đánh dấu việc chạy đua cho vị trí quyền lực nhất nước Mỹ nhiệm kỳ thứ 2.
Việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã là một cú sốc, không chỉ ở nền kinh tế số 1 thế giới mà còn trên toàn cầu. Trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump nhiều lần khiến thị trường tài chính Mỹ và thế giới bùng nổ rồi rung lắc dữ dội bởi những quyết định liên quan tới thương mại giữa Mỹ với các đối tác, từ những đồng minh lâu năm tới Trung Quốc.
Bước vào cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới ở một vị thế khác, không ai phủ nhận đây sẽ là một thử nghiệm liều cao không chỉ với ông Trump mà còn là cả nước Mỹ. Chiến thắng vài năm trước của ông Trump chính là cú đánh mạnh vào lịch sử, phản ánh cái nhìn chân thực nhất trong thời hiện đại. Liệu 4 năm sau, chủ nghĩa dân túy mà ông Trump theo đuổi sẽ tiếp tục đưa ông lên đỉnh quyền lực hay nó sẽ biến đổi đất nước và chính trường Mỹ nhiều hơn thế nào so với nhiệm kỳ tổng thống của ông?
Dù các cử tri có nghĩ gì về ông Trump năm 2016, giờ đây, họ đã có đủ trải nghiệm với vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Những gì ông Trump theo đuổi cũng đã được thể hiện một cách rõ nét trong thời gian qua với chương trình nghị sự bão táp của mình. Bây giờ, cử tri sẽ là người quyết định họ có cần những điều đó hay không.
Brendan Buck, cựu phát ngôn của ông Paul D. Ryan - người từng là Chủ tịch Hạ viện trước khi bị phe Dân chủ lật đổ, cho rằng: "Sẽ có biến động lớn trong tư duy của các cử tri. Khi có rất nhiều người nghĩ rằng ông Trump không thể giành chiến thắng, thậm chí họ còn không để suy nghĩ ấy vào đầu, thì lá phiếu của họ có vẻ chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, điều đó đã hoàn toàn thay đổi lúc này".
Hơn bà Hillary Clinton về số phiếu Đại cử tri nhưng về đầu phiếu phổ thông, ông Trump lại thua kém đối thủ tới 3 triệu phiếu. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc ông Trump vào Nhà Trắng là một sai lầm. 1,5 năm tới chính là thời gian quan trọng để ông trùm bất động sản New York chứng minh rằng mình vào Nhà Trắng là điều hoàn toàn đúng đắn.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump liên tiếp bị kéo vào hàng loạt vụ việc nhạy cảm, trong đó có cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp ông vào Nhà Trắng. Sẽ chẳng có cách nào để chứng tỏ ông Trump vào Nhà Trắng xứng đáng và hợp pháp hơn việc tiếp tục chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ 2.
Bắt đầu cuộc đua thứ 2, ông Trump có một xuất phát điểm cao hơn nhiều so với 4 năm trước. Ông thậm chí còn vượt trội hơn tất cả các đối thủ, từ khả năng gây quỹ đột phá, truyền thông vô song hay cả những công cụ mà Chính phủ Mỹ giao cho một tổng thống, bao gồm cả chiếc Air Force One, để gây ấn tượng mạnh mẽ với cử tri.
Với nhiều người, ông Trump bước chân vào Nhà Trắng đã là điều đặc biệt. Tuy nhiên, ông Trump có thể ngồi vững ở chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ cũng khiến nhiều người phải thán phục. Ngay khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều người tin rằng ông Trump có thể bị lật đổ không lâu sau khi tuyên thệ nhưng điều này không bao giờ có thể xảy ra.
Dẫu vậy, ông Trump vẫn là người dễ bị tổn thương nếu so với các tổng thống khác khi tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 2. Ngay cả với một nền kinh tế mạnh, ông Trump vẫn là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của đa số các cử tri, dù chỉ là một ngày.
Các cuộc thăm dò nội bộ của ông Trump hồi đầu năm cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông thấp đáng kể ở các bang quan trọng. Ông Trump phản ứng bằng cách phủ nhận sự tồn tại của cuộc thăm dò này và sa thải một số người phụ trách lĩnh vực thăm dò ý kiến trong bộ máy của mình.
Ông Trump cũng chưa bao giờ tìm kiếm sự ủng hộ ngoài những người từng bầu ông và cũng chưa bao giờ cố gắng làm điều đó. Ông vẫn tập trung vào duy trì sự ủng hộ từ những thành trì của mình để ngăn đối thủ tiếp cận. Cho dù là khuynh hướng hay tính toán thì đó là một chiến lược cho một kỷ nguyên chia rẽ, khi mà người Mỹ ít quan tâm đến việc hòa đồng.
Tất nhiên, khi nói đến vấn đề này thì cũng như câu chuyện con gà quả trứng. Người ta sẽ đặt câu hỏi liệu các cuộc tranh luận của ông Trump là nguyên nhân của sự phân cực ở nước Mỹ hay đó chỉ là kết quả của sự chia rẽ. Cuộc bầu cử sắp tới có thể mang lại thêm manh mối cho câu trả lời mà người ta vấn đang đi tìm.
Michael Kazin, giáo sư lịch sử của Đại học Georgetown, cho rằng: "Chúng ta đang rất chia rẽ. Chúng ta sẽ phải tìm hiểu xem nó có liên quan như thế nào tới ông Trump hay là một điều gì đó sau sắc hơn trong hệ tư tưởng chính trị của chúng ta".