Trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua tại Mỹ, khi các thành viên trong gia đình tụ họp, hẳn sẽ có người hỏi: "Con của bạn có mua bitcoin không?" và rồi "Chúng có thuyết phục bạn đầu tư không?". Tiền số trở thành chủ đề nóng bỏng được thảo luận ở mọi nơi.
Nhưng cũng có một số người không hề biết gì về bitcoin, kể cả những điều cơ bản. Bitcoin là gì? Mối liên hệ giữa bitcoin và blockchain, công nghệ phân quyền đứng sau đồng bitcoin là gì? Có người cho rằng blockchain giống như một sòng bạc và bitcoin là chip. Đây là một so sánh khá phù hợp bởi trong cơn sốt hiện nay đầu tư vào tiền số cũng không khác gì chơi một ván bài.
Những câu chuyên trên cho thấy một xu hướng đáng lo ngại mà các chuyên gia tiền số đã nhận ra từ năm ngoái, khi bitcoin tăng vọt từ 1.000 USD vào đầu năm 2017 lên mức đỉnh 19.000 USD. Thế hệ Millennials, đặc biệt là nam giới, đang bắt đầu làn sóng đầu cơ. Do vậy, hiện nay, có thể có nhiều chàng trai trẻ tuổi không thể tin vào vận may bitcoin của mình, nhưng cha mẹ họ nên chuẩn bị sẵn sàng khi bong bóng tiền số vỡ.
Một vài tuần trước Giáng Sinh, quỹ đầu tư mạo hiểm Blockchain Capital đã thực hiện 1 cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy 2% dân số Mỹ sở hữu bitcoin, nhưng trong thế hệ Millennials (gồm những người sinh vào đầu năm những năm 1980 tới đầu năm những 1990), tỷ lệ là 4%. Và tính riêng trong nam giới thuộc thế hệ này, con số lên đến 6%. Hơn 50% người thuộc thế hệ Millennials tham gia khảo sát cho rằng bitcoin là một sáng chế công nghệ tích cực và hơn một phần tư cho rằng bitcoin an toàn hơn ngân hàng.
Đương nhiên, có nhiều nhà đầu tư lớn là những nhà "truyền giáo" trong lĩnh vực tiền ảo. Họ cho rằng đây là đột phá công nghệ lớn nhất kể từ khi internet ra đời. Một vài người trong số họ dự đoán rằng một số công ty blockchain hiện nay sẽ sớm trở thành những nhà vô địch khổng lồ như Google hay Amazon.
Nhưng điều gì mới thực sự khiến tiền số hấp dẫn thế hệ Millennials? Trước tiên, đó là sự thiếu hụt ký ức. Với những người ở độ tuổi 18-34, thì ở thời điểm bong bóng dotcom vào những năm 1990, họ vẫn chỉ là một đứa trẻ hoặc một thiếu niên, và họ sẽ không thể nhận thấy sự tương đồng giữa cơn sốt bitcoin hiện nay với bong bóng dotcom khi đó.
Tương tự như ngày nay các doanh nghiệp mong muốn thể hiện tham vọng blockchain của mình, khi đó, các công ty chỉ cần thêm ".com" vào tên mình, và sau đó, chờ đợi giá cổ phiếu tăng vọt một cách khác thường.
Thứ hai, có lẽ cũng có ảnh hưởng của yếu tố văn hoá. Sở hữu một loại tiền tệ có giá trị thay đổi theo từng ngày có thể là biểu hiện cho sự nổi loạn của người trẻ. Đầu tư cho tiền số là một khoản đầu tư mạo hiểm và không lệ thuộc vào bất cứ quy định nào. Và với một số người, đây không phải là một trở ngại, mà là sức hút.
Với những người khuyên không nên đầu tư tiền số, nhiều người trẻ cho rằng họ đưa ra những lời khuyên như vậy là do họ không giàu có bằng cha mẹ mình. Ở Mỹ, thế hệ Millennials sở hữu ít nhà ở hơn so với những thế hệ trước, và không nhiều người có thể kiếm nhiều tiền như cha mẹ mình khi xét ở cùng độ tuổi. Và bởi học phí đại học đã tăng cao, nhiều người thuộc thế hệ Millennials bước vào thị trường việc làm với một khoản nợ khổng lồ.
Dù vậy, khi tìm kiếm nguyên do đằng sau cơn sốt bitcoin của giới trẻ, Matteo Leibowitz, một người trẻ tuổi từng tốt nghiệp từ một trường đại học Mỹ năm ngoái và hiện đang viết bản tin về tiền số, đã giải thích: "Người trẻ như bản thân tôi không có nhiều tiền để đầu tư nên họ thường đầu tư vào thứ gì đó có tiềm năng đem lại lợi nhuận khổng lồ. Không có gia đình nuôi và cũng không có tài sản thế chấp, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn đánh cuộc cho những điều rủi ro cao hơn này."
Leibowitz cho biết người trẻ còn bị ám ảnh bởi một thứ: Fomo – lo sợ mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó lớn lao. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên những bong bóng tài chính. Cơn sốt blockchain lan rộng rất nhanh. "Ngay khi bạn biết về một người bạn đã kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực đó, bạn thường sẽ học theo. Đó chắc chắn là Fomo", anh nói.