Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng?

29/12/2021 06:09
Không phải sàn thương mại điện tử Tiki, cũng không phải siêu ứng dụng MoMo, Sky Mavis – một công ty mới thành lập cách đây ba năm mới chính là “kỳ lân công nghệ” thứ ba do người Việt Nam sản sinh ra, và cũng là kỳ lân nhanh nhất từ trước đến nay. Mới đây, ban biên tập Trí thức trẻ đã lựa chọn công ty sáng tạo ra tựa game đình đám toàn cầu Axie Infinity cho vị trí “Startup của năm” – CafeF Choice.

Người viết có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thành Trung, Co-Founder & CEO của Sky Mavis nhân sự kiện này. Trên thực tế, anh tương đối bận rộn sau “điểm bùng phát” của Axie Infinity, đặc biệt là sự kiện công ty này gọi vốn thành công 152 triệu USD trong vòng Series B, được định giá ở mức 3 tỷ USD.

“Đã tháng 12 rồi cơ à?”, Nguyễn Thành Trung mất một chút thời gian để suy nghĩ sau thông báo của chúng tôi.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 1.

Gần 4 tháng kể từ sau vòng gọi vốn 152 triệu USD, Sky Mavis đã có những thay đổi gì đáng chú ý?

4 tháng qua là quãng thời gian mà Sky Mavis tăng trưởng cực kỳ nhiều về đội ngũ, từ hơn 30 người lên 90 người trên toàn thế giới. Trong đó, chúng tôi có khoảng 60 người ở Việt Nam.

Không chỉ đơn thuần thay đổi về số lượng, Sky Mavis còn thay đổi về cách thức làm việc và giao tiếp với nhau. Hiện tại chúng tôi vẫn đang làm việc từ xa do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng cũng may đội ngũ đã có sự chuẩn bị nhất định nên cũng không bỡ ngỡ lắm.

Công ty bắt đầu có những quy trình ở mức độ nhẹ để không ảnh hưởng đến cách thức đội ngũ làm việc. Chúng tôi vẫn muốn đi nhanh nhất có thể, tuy nhiên vẫn cần có một vài điểm thống nhất với nhau để làm việc hiệu quả hơn.

Một trong những thứ ảnh hưởng nhiều nhất trong thời gian qua là chất lượng sản phẩm. Hồi trước, khi ít người, có những thứ chúng tôi phải làm rất nhanh, kiểm tra – kiểm thử không được kỹ lắm. Bây giờ, chúng tôi làm mọi thứ cực kỳ kỹ lưỡng trước khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.

Sky Mavis đón nhận thêm rất nhiều con người tuyệt vời tham gia vào team, họ là những luồng gió mới. Chúng tôi không chỉ được cộng thêm về mặt sức mạnh, những nhân sự mới còn tác động qua lại với những người cũ tạo thành đội hình rất đáng tự hào.

Sau vòng gọi vốn thành công, có lẽ danh tiếng của Sky Mavis lên rất cao. Trong lần nói chuyện trước với tôi (hồi cuối tháng 7), anh nói rằng tuyển dụng là vấn đề khiến anh lo lắng nhất, nhưng sau đó mọi thứ có trở nên dễ dàng hơn không?

Đúng là dễ hơn nhiều. (cười)

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 2.

Thực ra có nhiều lý do, không chỉ là những thông tin xuất hiện trên truyền thông. Sự nhìn nhận của mọi người về Sky Mavis tốt hơn. Trước đây, khi chúng tôi giải thích mình đang làm về blockchain, blockchain game, mọi người vẫn đâu đó có ánh mắt ngờ vực. Không phải họ ngờ vực về việc chúng tôi làm có chính thống hay không, mà là việc họ có muốn đem sự nghiệp của mình đặt vào trong bài toán như vậy hay không.

Bây giờ, mọi người cũng đã biết được phần nào tầm nhìn của Sky Mavis và bài toán chúng tôi giải quyết lớn đến đâu. Thực sự, đó không chỉ là câu chuyện đi làm sản phẩm, đi làm game nữa; nó thay đổi hoàn toàn cách thức suy nghĩ của thế giới.

Việc giải thích cho mọi người cũng dễ hơn, nhiều khi cũng không cần giải thích nữa. Anh em chỉ đơn thuần nói về điều mà mình có thể làm cùng nhau khi vào Sky Mavis.

Cá nhân anh có những thay đổi gì? Có thể anh sẽ có một chút buồn, nhưng trong lần gần nhất ra Hà Nội dự sự kiện, tôi thấy hình như anh tăng cân?

Đúng rồi, tôi béo hơn nhiều đấy.

Tôi đang ở Nha Trang, đến giờ được gần một năm rồi. Đợt đó, gia đình tôi có em bé. Vì em bé sinh ở bên ngoại, nên tôi đi đi về về nhiều. Trước dịch tôi về đây, sau đó dịch bùng phát trở lại, nên tôi ở đây luôn.

Ở Nha Trang tôi ăn uống đủ bữa, ăn cơm nhiều, với cả ngồi một chỗ nhiều, nên cứ béo thôi. Thôi cái đó cũng phải chịu, nhiều khi đến tuổi thì hít thở thôi cũng béo. (cười)

Còn công việc thì sao, có phải công việc bận hơn nên sinh hoạt có phần không được điều độ nữa?

Thực ra trước đây tôi mới sinh hoạt không điều độ. Tôi thức đêm nhiều, mà nhiều khi thức trắng đêm luôn. Bây giờ, tôi khó để thức quá muộn, nên ăn ngủ lại điều độ hơn.

Nhưng đúng là bây giờ tôi bận hơn nhiều. Nhiều việc cũng không rõ từ đâu đến nữa. Thời gian tôi dành cho team cũng không nhiều như trước. Tôi chỉ quan tâm đến những thứ rất cơ bản thôi. Tôi cũng cố gắng nói chuyện với các bạn ở trong công ty khi có cơ hội, nhưng rõ ràng ở quy mô 30 người thì sự quan tâm dành cho mọi người cũng nhiều hơn so với quy mô 90 người như hiện nay.

Thực ra sẽ có những cột mốc, ví dụ một công ty dưới 100 người và trên 100 người bài toán quản trị khác nhau rất nhiều. Cá nhân anh đã phải học hỏi những gì khi vận hành đội ngũ tăng quy mô gấp ba lần trong thời gian ngắn như vậy?

Tất nhiên tôi phải học rồi, nhưng tôi không có cơ hội để học về quản lý quản trị một cách bài bản. Nhiều khi gặp vấn đề, trong quá trình xử lý mình rút ra bài học.

Cũng có điểm may mắn, thời gian đầu khi tuyển dụng tôi tìm kiếm những người có tiềm năng lớn để phát triển trong tương lai và có thể khoả lấp vào những vị trí quan trọng.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 3.

Thứ hai, khoảng thời gian Sky Mavis ở quy mô 30 người đủ dài để mọi người thấm với những thứ mà công ty đang làm. Quá trình tăng từ 30 lên 90 có sự giúp ích cực kỳ nhiều từ đội ngũ ban đầu. Mọi người gần như trở thành xương sống trong hoạt động của công ty. Mỗi người một việc, người là chân, người là tay để xử lý. Còn nếu chỉ đơn thuần dựa vào sức của một người, tất cả đặt lên vai của CEO thì chắc chắn không thể được rồi.

Tôi cảm thấy khá tự hào vì quãng thời gian công ty chuyển từ 30 lên 90 không gặp phải vấn đề gì quá lớn, đội ngũ xương sống đã làm rất tốt.

Tôi có đọc về hành trình anh tìm kiếm những người cộng sự sáng lập Sky Mavis, quả thật họ đều là những con người tài năng. Giống như các anh hùng thời xưa tìm kiếm huynh đệ.

Cái này xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân tôi, cũng hơi phiến diện, nhưng một phần của bài toán quản lý, quản trị đó là mình tuyển dụng được những con người tốt, giỏi và có khả năng phát triển trong tương lai. Đó là quá trình mình chuẩn bị từ trước, chứ không phải đến khi mình có từng đó người mới đi giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu mình có sự chuẩn bị trước về mặt con người, sự phát triển sau đó cũng ổn định hơn nhiều.

Tôi nghĩ quá trình đó xuất hiện liên tục, kể cả thời điểm hiện nay khi có 90 người, Sky Mavis cũng làm sao để đội ngũ có thể chuẩn bị cho sự tăng trưởng còn lớn hơn nữa trong tương lai.

Trong công việc, anh tự nhận xét mình là người như thế nào?

Chắc là người khá cầu toàn, trước đây tôi như vậy. Bây giờ thì không có thời gian để mà cầu toàn nữa, có nhiều thứ bắt buộc phải hy sinh.

Tôi bắt buộc phải tin tưởng mọi người, cho mọi người không gian để làm, thử và thất bại. Từ đó mọi người mới có thể tăng được chất lượng và chuẩn trong công việc.

Thực ra tính cầu toàn của tôi có điểm tốt và điểm xấu.

Thời điểm ban đầu, chính những chuẩn mực và sự khắt khe như thế hình thành cho mọi người sự chỉn chu và cẩn trọng trong công việc. Thậm chí chúng tôi thúc đẩy qua lại để có thể làm tốt hơn.

Còn cái xấu là nhiều khi công việc cứ tắc mãi tại chỗ vì tôi cầu toàn quá.

Sau này tôi tìm được sự cân bằng hơn, nếu không mọi thứ sẽ đứng lại. Mình bắt buộc phải thay đổi.

Bây giờ suy nghĩ của tôi cởi mở hơn nhiều. Dù chất lượng vẫn sẽ bắt buộc phải đạt được những tiêu chuẩn nào đó, nhưng những người xung quanh cũng cần thiết có không gian để hoạt động, không phải lúc nào mình cũng đặt ra những chuẩn cao nhất được.

Nếu nhìn rộng ra một chút xíu thì sự tăng tiến về khả năng, chất lượng chỉ đến khi trải qua sự làm việc lặp đi lặp lại. Thành công cũng khó có thể đến ngay trong lần thực hiện đầu tiên, đó là thứ phản khoa học.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 4.

Axie Infinity đã tạo ra nguồn cảm hứng rất lớn cho ngành công nghiệp game, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, có rất nhiều game blockchain được tạo ra sau tiếng vang của Axie và họ cũng đã gọi được lượng vốn nhất định. Ở góc nhìn của anh, chính là người tạo ra hiệu ứng đó, Axie Infinity đã tác động ra sao đến ngành công nghiệp game?

Toàn bộ quá trình từ lúc Sky Mavis bắt đầu thông tin cho đến thời điểm hiện tại, tôi đã trải qua nhiều thay đổi cung bậc cảm xúc.

Có những lúc tôi cảm thấy mừng vì mình đã gieo một hạt mầm nào đó có thể tạo ra nhiều kết quả trong tương lai. Tôi cảm thấy rất muốn giúp đỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, để ít nhất những người đi sau không gặp phải những thất bại trong từng thời điểm giống mình.

Có những lúc mọi thứ bùng nổ quá mức khiến chính tôi cũng cảm thấy hơi sợ một chút. Có những dự án chất lượng tốt, mọi người đầu tư bài bản; nhưng cũng có những dự án chỉ đơn thuần là theo dòng thời sự. Lo sợ của tôi là liệu những hạt giống không tốt sau này có ảnh hưởng đến sự phát triển của một thị trường hay không?

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 5.

Rồi những vụ lừa đảo cũng có xảy ra; những vấn đề liên quan đến chính sách như thế nào để tránh sự lừa đảo; việc không nắm rõ thông tin khi mọi người tham gia vào thị trường; hay sự biến động nữa, thị trường crypto có thể có nhiều sự biến động lớn xảy ra trong tương lai… Những thứ đó là điều mình cần suy nghĩ đến.

Nhưng sau tất cả, tôi nghĩ đó là điều tốt, giúp thay đổi cách thức nhìn nhận tư duy của mọi người. Rõ ràng bây giờ blockchain đang trong thời điểm rất mới. Tôi mừng vì mọi người chung tay để làm thay đổi nhận thức của thị trường, làm sao để blockchain ngày càng bền vững và ổn định hơn thay vì chỉ là trào lưu trong ngắn hạn.

Dù sao, chúng ta vẫn cần phải có số lượng rồi mới có chất lượng. Chúng ta cũng cần phải có thời gian thì mọi thứ mới được thử lửa, sau này mới hình thành những kết quả.

Tôi cũng cảm thấy mừng hơn cho Việt Nam vì mọi người có nhiều cơ hội hơn so với thế giới để xử lý một bài toán mới, qua đó có cơ hội cạnh tranh với những sản phẩm, dự án trên toàn cầu.

Mọi người nhắc nhiều đến Axie Infinity, nhưng Sky Mavis thì rõ ràng không chỉ có mỗi Axie. Một game thì không thể mãi hấp dẫn người chơi, Sky Mavis đang làm gì để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Axie; hay nói cách khác là một công ty phát triển bền vững hơn nhiều một tựa game?

Ở khía cạnh người làm game, một trong những ước mơ của chúng tôi là tạo ra một game có thể sống lâu 10 – 20 năm. Thực ra có những game trên thị trường có thể sống qua được mốc này, thậm chí là sống rất mạnh khoẻ, chẳng hạn như game của Supercell.

Nhưng nếu nói một game riêng lẻ, kiểu gì cũng sẽ đến lúc mà nó phải thay đổi. Bản chất những game có thời gian tồn tại trên 10 năm đều là những game được phát triển, tiến hoá theo thời gian chứ không phải y nguyên như lúc ban đầu.

Trên quan điểm toán học, sự mới mẻ và sự vui thích của người chơi với một game là một hàm có bay hơi, có nghĩa là sẽ giảm dần đi.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 6.

Phiên bản hiện tại của Axie cho đến nay đã được hai năm, trước đó chúng tôi cũng có một phiên bản nữa. Có những phiên bản khác tồn tại nhưng chúng tôi không đủ tự tin để tung ra. Đó là minh chứng cho việc game thay đổi theo thời gian, nhiều khi có thể coi phiên bản mới là một game mới hoàn toàn. Phiên bản tiếp theo đang được chúng tôi phát triển và sẽ được phát hành trong thời gian tới.

Thêm một điểm nữa, nếu nhìn Axie như một sở hữu trí tuệ, một hệ thống nhân vật, thì thực ra chúng ta có thể có nhiều game. Thậm chí, chúng ta có thể có những thể loại game khác nhau được xây dựng trên cùng một thế giới.

Về khía cạnh game, chúng tôi luôn luôn tính làm sao để nó có thể phát triển thêm nữa. Một game lẻ thì khó nói; nhưng một dòng game, một hệ thống nhân vật, sở hữu trí tuệ thì có thể sống được trong khoảng thời gian rất dài mà không bị mất đi sự thú vị.

Còn về Sky Mavis, chúng tôi có những sản phẩm khác bên ngoài game.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 7.

Anh từng nói về chuyện người ta đang hưng phấn quá với Play to Earn. Có thông tin cập nhật hiện nay mỗi tháng Việt Nam sản sinh ra hơn chục game blockchain. Một số quan điểm cho rằng GameFi có thể đang trong trạng thái bong bóng và sẽ nổ trong một vài năm tới; nhưng nó sẽ không biến mất mà định hình lại vì đã trở thành một trụ cột quan trọng của blockchain. Cá nhân anh là người trong nghề, anh có thấy rằng điều này có đang thực sự xảy ra?

Tôi thì nghĩ khi có sự xuất hiện của nhiều game, người chơi sẽ tìm kiếm những trải nghiệm mới, những cơ hội hấp dẫn ở trong game đó. Mọi người cũng ít quan tâm đến việc đằng sau liệu có sự thay đổi gì về mặt sản phẩm. Những đột phá liên quan đến công nghệ nhiều khi cũng khó nói. Mọi người vẫn chỉ đang tìm kiếm một cơ hội trước mắt thôi.

Nếu nhìn trên quan điểm bong bóng thì cái gì lên cũng phải xuống, không thể nào giữ được sức nóng mãi mãi.

Nhưng nếu nhìn trên quan điểm công nghệ, game như là công cụ, phương tiện để làm tăng nhận thức và làm tăng sự chấp nhận của mọi người với thế giới blockchain thì nó vẫn sẽ tồn tại, tiếp tục phát triển và sẽ có những lý thuyết mới sinh ra làm cho mọi thứ bền vững hơn.

Kể cả sau khi tìm được một mô hình phần nào có sự thuyết phục và bền vững rồi, vẫn sẽ có thêm nhiều sự đột phá nữa. Mọi thứ luôn vận hành như vậy.

Bàn một chút về đạo đức, tôi phải nói điều này vì anh và Sky Mavis là những thực thể có liên quan. Quan điểm của anh như thế nào về Play to Earn khi nhiều người từ bỏ công việc trong thế giới thực và tập trung vào chơi game kiếm tiền?

Cá nhân tôi nghĩ, trong cuộc sống, nhiều khi đâu đó xuất hiện cơ hội và cách thức tiếp nhận cơ hội đó thế nào thì tuỳ vào mỗi người. Cơ hội đó có thể có ích trong ngắn hạn nhưng chưa chắc đã tốt trong dài hạn. Đối với tôi, Play to Earn là điểm tốt trong mùa dịch, ít nhất nhiều người có được tài chính giúp cho bản thân và gia đình.

Nhưng sau cùng, vẫn có những thứ dài hạn hơn như đầu tư về con người, công việc, sự nghiệp… Đương nhiên mình phải giữ hai thứ đó cùng một lúc, nên tiếp nhận cơ hội, nhưng cũng nên chuẩn bị cho sự ổn định bền vững. Đó là sự cân bằng, vì say cái gì quá mức tôi nghĩ cũng không tốt.

Bong bóng GameFi từ góc nhìn của CEO Sky Mavis: Đâu là hạt giống tốt và đâu là hạt giống hỏng? - Ảnh 8.

Trên góc độ làm truyền thông, tôi thấy mọi người đang cổ vũ khá nhiều cho việc chơi game để kiếm tiền. Thậm chí chúng ta biết rằng có những người đã kinh doanh phái sinh dựa trên hệ sinh thái Axie, tức là họ đầu tư Axie ban đầu và cho người chơi thuê để kiếm tiền.

Tôi nghĩ sẽ có nhiều sự tiến hoá trong tương lai mà bây giờ chúng ta chưa nắm bắt hết được. Ảnh hưởng của COVID-19 khiến mọi người phải dịch chuyển lên thế giới online và thay đổi hành vi của con người rất nhiều. Chúng ta hiện nay giao tiếp online. Điều này tạo ra một kiểu thế giới tương tác giữa con người với con người kiểu mới và hoàn toàn có thể có những giá trị, tài sản được tạo ra trong thế giới đó, trong một Metaverse như vậy.

Do đó, không thể loại bỏ khả năng xuất hiện công việc trên thế giới mà hiện giờ mọi người vẫn coi là ảo. Đó cũng là các công việc tạo ra giá trị.

Tuy nhiên có một sự thật. Thế giới ảo hay thế giới trong game, khi được vận hành theo cách thức thật nhất có thể, nó sẽ càng đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng chúng ta đang có trong thế giới thực.

Bản thân tôi chơi game cực kỳ nhiều. Có những yếu tố phối hợp đồng đội, xã hội trong game rất cao. Trong đó, bạn có thể nói tiếng Anh hay không, giao tiếp được với bạn bè quốc tế không, phối hợp, tính kỷ luật, lập kế hoạch như thế nào… tất cả đều là những kỹ năng mà mình cần có trong thế giới thực.

Không phải mình cứ đắm chìm vào thế giới của game là sẽ không có những kỹ năng đó và ngược lại, người nào không có được những kỹ năng mà chỉ trông chờ vào việc chơi game một cách công nhân thì chưa chắc đã chơi tốt.

Thực ra tôi khá thận trọng khi suy nghĩ về những vấn đề như vậy. Tôi không nói điều đó là tốt hay không tốt. Sẽ có những sự dịch chuyển vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng sẽ không vượt ra khỏi những kiến thức kỹ năng mà mình cần phải có đâu.

Nên tôi nghĩ, việc chuẩn bị kể cả ở bên ngoài hay trong game là không thừa. Làm sao để mình trở thành con người tốt hơn, giỏi hơn. Với tôi, không có sự khác biệt quá nhiều giữa việc phải làm trong game và việc phải làm bên ngoài, có cực kỳ nhiều điểm giống nhau.

Cám ơn anh.

Bạch Mộc
Mai Linh
Theo Trí Thức Trẻ29/12/2021

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
55 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
12 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
59 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
24 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
16 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.