Bong bóng tài sản có đáng lo?

13/09/2020 21:51
Việc nhiều quốc gia bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh khả năng hấp thụ yếu, có nguy cơ dẫn tới bong bóng tài sản tài chính.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương hết sức lưu tâm đến nguy cơ bong bóng tài sản . Cảnh báo này không phải không có cơ sở khi mà hiện hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã triển khai nhiều gói kích thích tài khóa với quy mô lớn chưa từng có để hỗ trợ nền kinh tế của mình ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là Mỹ. Theo đó, hồi đầu tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ thứ nhất với quy mô lên tới 2.200 tỷ USD và đang thảo luận về gói cứu trợ thứ hai có quy mô lên tới 3.000 tỷ USD.

Bong bóng tài sản có đáng lo? - Ảnh 1.

Việc các quốc gia bơm tiền ồ ạt hỗ trợ nền kinh tế ứng phó dịch COVID-19 có nguy cơ dẫn tới bong bóng tài sản tài chính.

Trong khi đó, FED không chỉ cắt giảm mạnh lãi suất về sát 0%, mà còn thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn để bơm thẳng tiền vào hệ thống tài chính. Không dừng ở đó, FED còn cho doanh nghiệp vay tiền trực tiếp; mua lại trái phiếu của doanh nghiệp tại thị trường thứ cấp; mua các chứng chỉ quỹ ETF có tài sản cơ sở là trái phiếu… Thậm chí hồi cuối tháng 6 vừa qua, FED còn triển khai chương trình cho vay 500 tỷ USD để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp lớn.

Các nền kinh tế lớn khác như EU, Nhật Bản, Anh… cũng có những hành động tượng tự, tùy theo năng lực tài chính của mình. Những động thái này của các nền kinh tế phát triển đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi mạnh trở lại kể từ giữa tháng 3 đến nay. Thị trường trái phiếu cũng được hưởng lợi nhờ các chương trình mua tài sản mà các NHTW lớn trên thế giới đang triển khai.

Thế nhưng, tài sản được hưởng lợi lớn nhất trong xu thế nới lỏng tài khóa, tiền tệ hiện nay chính là vàng. Theo đó, giá kim loại quý này đã bật tăng rất mạnh kể từ giữa tháng 3 lên mức cao kỷ lục 2.074 USD/oz. Mặc dù kể từ đó, giá vàng đã quay đầu giảm nhẹ, song tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý này vẫn tăng hơn 39% so với đầu năm.

Rõ ràng giá nhiều tài sản tài chính trên thế giới đã bật tăng rất mạnh kể từ khi các nền kinh tế lớn bơm ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với đại dịch COVID-19. Thế nhưng, đằng sau bong bóng tài sản còn ẩn chứa một rủi ro còn lớn hơn nhiều, đó là nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Trong khi sức khỏe của hệ thống ngân hàng toàn cầu đã bị bào mòn đi khá nhiều do chính sách lãi suất thấp, thì nay đại dịch COVID-19 bùng phát càng khiến sức khỏe của các ngân hàng thêm suy yếu, chất lượng tài sản suy giảm nghiêm trọng do dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng.

Trên thực tế, hiện có không ít doanh nghiệp tại các nền kinh tế phát triển chỉ đang sống nhờ vào sự "hà hơi tiếp sức" của Chính phủ và các NHTW. Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều doanh nghiệp dạng này rơi vào cảnh vỡ nợ, từ đó ảnh hưởng tới hệ thống tài chính.

Còn nhớ hồi tháng 4 năm nay, IMF đã cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch COVID-19.

Còn với Việt Nam thì sao? Theo giới chuyên môn, hiện chưa có dấu hiệu gì về việc hình thành bong bóng giá tài sản ở Việt Nam. Thứ nhất, mặc dù Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ để ứng phó với đại dịch, tuy nhiên quy mô của các gói này còn khá nhỏ bé so với nhiều quốc gia trong khu vực, chứ chưa nói gì tới các nền kinh tế phát triển. Chưa kể mức độ triển khai trên thực tế của các gói hỗ trợ này cũng không được là bao.

Đơn cử, gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ có quy mô ước tính khoảng 180.000 tỷ đồng, song thực tế đến nay mới chỉ gia hạn được 67.000 tỷ đồng. Hay gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cũng mới chỉ giải ngân được 11.000 tỷ đồng. Ngay gói hỗ trợ tín dụng mà theo cam kết của các ngân hàng có quy mô lên tới 600.000 tỷ đồng, thế nhưng lượng vốn cho vay mới cũng chẳng được là bao do nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh vì dịch bệnh, trong khi điều kiện vay cũng không dễ dàng. Hệ quả là tính đến 26/8, tín dụng mới tăng có 4,23%, bằng khoảng một nửa so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng là lượng tiền bơm vào nền kinh tế không nhiều, trong khi phần lớn hiện vẫn nằm trong ngân hàng, nên khó có điều kiện để dẫn tới bong bóng tài sản.

Thứ hai, lượng tiền khủng phải đi kèm với sức cầu lớn dẫn tới hiện tượng sốt nóng. Tuy nhiên hiện các thị trường trong nước vẫn rất im lìm. Chẳng hạn thị trường bất động sản vẫn đang "ngủ đông" vì dịch bệnh; thị trường chứng khoán dù có khởi sắc hơn trong thời gian gần đây, song tính chung từ đầu năm đến nay, VN-Index vẫn giảm tới 7,3%. Có chăng chỉ có giá vàng tăng mạnh theo giá vàng thế giới, song giao dịch cũng rất ảm đạm.

Ngay cả lo ngại thanh khoản ngập lụt tại các nền kinh tế phát triển sẽ chảy mạnh sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam từ đó đẩy giá tài sản tăng, cũng không diễn ra. Bằng chứng là, lượng góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm nay giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt có 4,9 tỷ USD. Thậm chí trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư ngoại còn liên tục bán ròng trong thời gian gần đây.

Mặc dù trước mắt chưa có bong bóng tài sản ở Việt Nam, song vẫn cần hết sức cảnh giác. Bởi với một nền kinh tế có độ mở lớn và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu , Việt Nam chắc chắn sẽ hứng chịu những tác động tiêu cực không nhỏ nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Bong bóng tài sản có đáng lo? - Ảnh 2.

FED không chỉ cắt giảm mạnh lãi suất về sát 0%, mà còn thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn để bơm thẳng tiền vào hệ thống tài chính.

Đặc biệt, việc FED nới lỏng tiền tệ không giới hạn kéo dài, có nguy cơ gây áp lực lạm phát ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, khi FED nới lỏng tiền tệ, thì buộc các NHTW khác cũng phải tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Điều này có nguy cơ gây áp lực lạm phát, thậm chí là bong bóng tài sản tài chính…

Vì lẽ đó, việc xây dựng ngay những kịch bản để ứng phó với nguy cơ bong bóng tài sản sẽ không thừa.

Tin mới

Trà sữa được đồn “đẹp nhất Hà Nội” khiến khách đợi gần 2 tiếng nhưng chất lượng liệu có xứng đáng?
2 giờ trước
Liệu Bông Biêng nổi bật với trà sữa hương hoa này có đủ đô để chinh chiến cùng các thương hiệu đồ uống theo đuổi dòng trà đậm vị?
Giá cà phê lại tăng dựng đứng
2 giờ trước
Giá cà phê Robusta trên sàn London đang lên sát mốc 5.000 USD/tấn khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch nhưng nguồn cung vẫn cầm chừng
"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
3 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Vì sao các chuỗi cà phê - trà sữa, thời trang đóng cửa lại khiến thị trường “dậy sóng”?
3 giờ trước
Không chỉ tưng bừng khai trương, nhiều thương hiệu gần đây rời thị trường cũng “ồn ào” không kém
Linh vật Rắn Minh Long: Mở đầu vận trình thịnh vượng
4 giờ trước
Đều đặn mỗi dịp Xuân về, giới mộ điệu lại háo hức chờ đón từng tượng linh vật sứ từ Minh Long, như một phần không thể thiếu trong không khí Tết. Thương hiệu này không chỉ thành công trong việc chế tác dáng hình linh vật độc đáo, mà còn khéo léo truyền tải các lời chúc ý nghĩa đầu năm qua từng câu chuyện ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
6 giờ trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
6 giờ trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
9 giờ trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
12 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.