Về mặt lý thuyết, để định lượng rõ ràng mối liên hệ giữa bóng đá và kinh tế, 2 giáo sư tại trường Đại học Barcelona Roberto Gasquez và Vicente Royuela đã tiến hành nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu từ 135 quốc gia. Từ đó, họ kiểm chứng mối liên hệ giữa vị trí trên bảng xếp hạng FIFA với 2 thước đo kinh tế quan trọng là GDP trên đầu người và chỉ số phát triển con người HDI.
Kết quả tìm thấy, nếu một quốc gia tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng FIFA thì GDP bình quân đầu người và chỉ số HDI sẽ tăng lần lượt 0,3% và 0,07%. “Kết quả này có thể chứng minh rằng thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA có thể được coi là một chỉ số phát triển, cả trong dài hạn và ngắn hạn”, 2 giáo sư Roberto Gasquez và Vicente Royuela nhận định.
Trên thực tế, theo số liệu nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, các hoạt động thể thao đóng góp tới 3,7% GDP, đồng thời tạo nên 5,4% tổng số việc làm ở châu Âu, nơi vốn được xem là lục địa của nền bóng đá đỉnh cao. 20 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới, theo bảng xếp hạng của Forbes, nắm giữ tổng giá trị thị trường lên tới gần 46 tỷ USD.
Bên cạnh đó, việc đăng cai các giải đấu hàng đầu thế giới như Olympic, World Cup hay Premier League còn giúp các quốc gia mang về những khoản thu không hề nhỏ nhờ các hoạt động bán vé, quảng cáo, bán bản quyền phát sóng,...
Ngân hàng Nordea Bank Denmark (Đan Mạch) cho rằng, World Cup 2018 giúp GDP của Nga tăng trưởng thêm 0,3% mỗi năm, trong vòng 2 – 3 năm nhờ lượng khách du lịch tăng. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA), doanh thu của 46 công ty du lịch lớn của nước này đã tăng 214,6% so với cùng kỳ vào tháng Olympic Tokyo tổ chức. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu về Premier League của EY, chỉ trong mùa giải 2013-2014, giải đấu đã cung cấp hơn 100.000 việc làm toàn thời gian cho người lao động.