Chỉ sau khi có sự vào cuộc của cơ quan công an, người nhận tiền chuyển nhầm mới chịu trả lại cho người gửi, dù biết đó không phải là tiền của mình.
Hồi cuối tháng 12/2021, chị Hoàng Thị Bích Thủy (Hà Nội) có chuyển một món tiền trị giá hơn 23 triệu đồng cho một đối tác qua ứng dụng mobile banking. Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình thao tác, chị đã chuyển nhầm số tiền trên cho một người khác, có số tài khoản gần giống với số của đối tác của chị.
Ngay sau khi phát hiện sai sót, chị Thủy lập tức liên hệ với phía ngân hàng nơi chị mở tài khoản để trình báo và nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thất bại do người này từ chối quanh co.
Sau nhiều lần gọi điện thuyết phục, thương thảo bất thành, chị Thủy quyết định trình báo sự việc với cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh.
Cuối cùng, sau gần một năm, người này mới chịu hoàn trả lại số tiền trên.
Chị Bích Thủy chuyển nhầm hơn 23 triệu đồng vào cuối tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vấn đề chuyển nhầm tiền không còn xa lạ với nhiều người. Ông Lê Minh Hồng, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, có ngày chi nhánh của ông nhận được tới vài chục lượt trình báo chuyển tiền nhầm và nhờ ngân hàng hỗ trợ.
“Theo quy trình, khi phát hiện chuyển nhầm tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng thông báo để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp chuyển nhầm do lỗi từ nhân viên ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm liên hệ để lấy lại số tiền chuyển nhầm.
Tuy nhiên, nếu lỗi chuyển nhầm do khách hàng, thì ngân hàng chỉ hỗ trợ liên hệ với người nhận nhầm, chứ không thể tự ý trừ tài khoản khi chưa được chủ tài khoản cho phép”, ông Hồng cho biết.
Vấn đề mấu chốt, là không phải trường hợp nào người nhận tiền chuyển nhầm cũng có thiện chí trả lại. Việc xử lý các trường hợp chuyển nhầm tiền, theo đó, trở nên rất phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Có thể bị phạt tù tới 5 năm
Cho rằng đây là món tiền từ “trên trời rơi xuống”, không ít người đã không kiềm chế được lòng tham mà không nhận thức được rằng, việc không trả lại tiền cho người chuyển nhầm cũng là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị phạt rất nặng.
Luật sư Lê Duy Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết, theo khoản 1 Điều 599 luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó, nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”.
Như vậy, người chuyển nhầm có thể đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản này để khởi kiện yêu cầu hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm.
Ngoài ra, tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.