Phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Minh Thư (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết chưa từng giao dịch với công ty tài chính nhưng bị đưa vào diện khách hàng từng có nợ xấu, không thể vay vốn ngân hàng (NH). Chị Thư không phải trường hợp duy nhất bỗng dưng vướng nợ.
Không được vay vì… đang mang nợ
Chị Thư bị Công ty Tài chính TNHH H.Cr Việt Nam đưa vào lịch sử vay nợ với nợ xấu nhóm 3 cho khoản vay hơn 7 triệu đồng. Tương tự, Công ty Tài chính F.Cr cũng đưa chị vào danh sách bị gọi điện đòi nợ và xếp vào nợ xấu nhóm 3 và nhóm 5 vì khoản vay trả góp mua điện thoại hơn 6,9 triệu đồng. "Tôi chỉ biết sự việc sau khi bị một NH thương mại từ chối cho vay với lý do có nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Quá bất ngờ, tôi đã yêu cầu làm rõ thông tin" - chị Thư nói. Ngoài việc phải xóa nợ xấu, chị Thư băn khoăn các công ty tài chính lấy thông tin cá nhân của mình từ đâu để thực hiện các giao dịch vay nợ, vay mua trả góp? Chị từng bị mất CMND và đã làm lại.
Nhiều khách hàng liên hệ vay vốn mới phát hiện mình đang vướng nợ xấu "trên trời rơi xuống" Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phan Văn Chương (ngụ quận 4, TP HCM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi bị một NH thương mại từ chối cho vay. Kiểm tra lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC, ông Chương bất ngờ phát hiện có khoản nợ bị liệt vào nhóm 5 (nhóm nợ xấu nhất và sẽ không được các NH cho vay với bất cứ hình thức nào). Qua tìm hiểu, ông Chương được biết thấy thông tin nợ xấu trên xuất phát từ NH TMCP Đ.A (D.A Bank), hệ thống CIC cập nhật vào và các NH thương mại khác dựa trên lịch sử giao dịch này để từ chối cho vay. "Tôi chưa từng vay vốn tại NH Đ.A" - ông Chương bức xúc.
"Quýt làm cam chịu"
Trả lời Báo Người Lao Động, đại diện H.Cr cho biết có 2 khả năng dẫn đến trường hợp khách hàng không thực vay nhưng vẫn có lịch sử vay vốn. Một là khách hàng đứng tên vay giùm cho người khác, người nhờ vay giùm đã không thanh toán đúng hạn. Hai là ai đó lấy giấy tờ tùy thân của khách hàng để làm hợp đồng và không thanh toán đúng hạn (trường hợp khách hàng mất giấy tờ tùy thân và bị người xấu lợi dụng). Đối với trường hợp 2, bộ phận an ninh và chống gian lận của công ty tài chính sẽ tiến hành điều tra, nếu khách hàng thật sự không ký hợp đồng, công ty tài chính sẽ xóa lịch sử tín dụng và liên hệ CIC xóa lịch sử nợ xấu (nếu có) cho khách hàng. Với khách hàng Nguyễn Minh Thư, hợp đồng tín dụng đứng tên chị tại H.Cr Việt Nam do đối tượng lừa đảo Lê Thị Kim Ngân sử dụng giấy tờ tùy thân chị Thư và mạo danh thực hiện hợp đồng này. Giữa chị Thư và đối tượng Kim Ngân không có mối quan hệ nào. "Ngày 31-7, chúng tôi đã gửi công văn đến CIC đề nghị xóa lịch sử nợ cho khách hàng, đồng thời gửi thư xin lỗi chị Thư vì sự bất tiện trên" - đại diện H.Cr thông tin.
F.Cr cũng đã xác minh và kết luận số CMND của chị Thư bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt điện thoại qua hình thức vay mua trả góp với số tiền 6,99 triệu đồng tại công ty này. F.Cr đang phối hợp với cơ quan chức năng truy tìm đối tượng lừa đảo, làm sáng tỏ vụ việc. "Hiện chúng tôi đã tiếp nhận yêu cầu và hoàn tất các thủ tục cần thiết để điều chỉnh thông tin tín dụng khách hàng tại CIC. Việc điều chỉnh dự kiến hoàn tất vào giữa tháng 8-2018" - đại diện F.Cr nói.
Trường hợp ông Phan Văn Chương lại xuất phát từ lỗi của NH. Đại diện NH Đ.A cho hay đầu tháng 1-2017, NH này gửi báo cáo thông tin tín dụng kỳ tháng 12-2016 của tất cả khách hàng có quan hệ tín dụng tại D.A Bank đến CIC. Trong quá trình thực hiện, dữ liệu báo cáo bị lỗi dẫn đến nhóm nợ của khách hàng cập nhật không đúng với thực tế phát sinh quan hệ tín dụng. NH này đã điều chỉnh ngay khi phát hiện sai sót. Tuy nhiên, NH Standard Chartered Việt Nam cập nhật từ thông tin sai của D.A Bank và thông tin này vẫn tồn tại trên hệ thống của NH này. Ông Chương tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Standard Chartered Việt Nam Chi nhánh TP HCM và yêu cầu xóa lịch sử nợ xấu tại CIC. Đến thời điểm đầu tháng 5-2018, lịch sử giao dịch của ông Chương đã được CIC cập nhật là nhóm 1 - nợ đủ tiêu chuẩn. Chưa kể, để được cấp thư xác nhận nhóm nợ không thuộc nợ xấu, ông Chương phải đóng phí 110.000 đồng từ Standard Charered dù lỗi không phải của ông.
Cảnh giác với gian lận, lừa đảo tín dụng
Đại diện F.Cr cho biết công ty này đã phát hiện và tố giác đến cơ quan công an nhiều đường dây làm giả tài liệu, giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng và tổ chức tín dụng. Hành vi của các đối tượng này rất tinh vi; nhiều trường hợp phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thẩm định tính xác thực của tài liệu, giấy tờ, con dấu có liên quan. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát công tác thẩm định hồ sơ vay vốn, F.Cr quan tâm đến công tác kiểm soát gian lận, lừa đảo trong hoạt động cấp tín dụng để phát hiện và xử lý kịp thời các gian lận phát sinh.