Tờ báo Pakistan đánh giá, nền kinh tế Pakistan chủ yếu dựa vào nhập khẩu trong suốt 7 thập kỷ qua, trong tháng 7/2021, giá trị nhập khẩu của quốc gia này đạt 5,4 tỷ USD.
Riêng trong tháng 6/2021, giá trị hàng hóa nhập khẩu của Pakistan ghi nhận mức giá trị cao nhất trong lịch sử, đạt ngưỡng 6,05 tỷ USD. Vì lẽ đó mà nguồn USD dần trở nên khan hiếm trên thị trường Pakistan. Do vậy, để cải thiện nguồn cung ngoại tệ và trả nợ nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước Pakistan buộc phải sử dụng khoản dự trữ ngoại hối, khiến giá trị đồng Rupee giảm từ 152 rupee/1 USD xuống còn 164 rupee/1 USD.
Sự sụt giảm đồng nội tệ càng làm giá cả mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, dễ khiến nền kinh tế Pakistan rơi vào tình trạng lạm phát tăng cao và đô la hóa trên thị trường.
Trước tình hình đó, biện pháp để Pakistan có thể khắc phục tình trạng này đó là tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao để chi trả cho các khoản nợ và hóa đơn nhập khẩu. Mặt hàng Chính phủ Pakistan muốn tăng cường xuất khẩu là điện tử, máy tính, điện thoại thông minh, các linh kiện công nghệ thông tin,…
Vi dụ, Zeeshan Mian Noor, một doanh nghiệp sản xuất điện thoại nội địa ở Pakistan, cho biết công ty hiện đang chủ yếu sản xuất các sản phẩm có thương hiệu từ Trung Quốc. Mục tiêu chính của doanh nghiệp trong tương lai đó là có thể thâm nhập vào thị trường Trung Đông cấp thấp như Iraq, Iran.
Tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Trung Quốc hiện đang đạt hơn 140 tỷ USD, tuy nhiên giá nhân công đang có xu hướng tăng lên. Do đó, Trung Quốc đang hướng tới sản xuất mặt hàng công nghệ cao và dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh. Hiện tại, giá nhân công ở Việt Nam, Indonesia cũng đang tăng còn Ấn Độ đang vướng phải căng thẳng chính trị với Trung Quốc nên Bangladesh trở thành đối thủ duy nhất Pakistan cần cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bangladesh có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhanh chóng, tổng giá trị lên tới 35 tỷ USD. Mặc dù ngành dệt may vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng các mặt hàng công nghệ thông tin, phần mềm, sản phẩm kĩ thuật nhẹ đang đang ngày càng có tốc độ tăng đáng nể. Điều đó khiến Pakistan phải nghiên cứu thật kỹ để chứng minh cho các nhà đầu tư rằng quốc gia này có thể đáp ứng các yêu cầu về cơ sở sản xuất và là điểm đến lý tưởng.
Để làm được điều đó, Việt Nam là quốc gia đáng để Pakistan học hỏi trong cuộc chiến thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với chi phí tăng, Trung Quốc không còn là điểm đến cho các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trở thành đối thủ nặng ký. Gần đây, số lượng đơn hàng và vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể.
Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh chi phí gia tăng và sự phức tạp về chính trị, cũng như môi trường pháp lý ở Trung Quốc.
Việt Nam có thể thành công trong việc thu hút nhà đầu tư do đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. So với các nước đang phát triển trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu về sản xuất và nguồn cung ứng chi phí thấp.
Hiện tại, chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng 50% so với Trung Quốc và khoảng 40% so với chi phí ở Thái Lan, Philippines. Chưa kể, chi phí lao động của Việt Nam không đắt, lực lượng lao động tăng đều đặn, tuổi trung bình lại trẻ và ngày càng có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư do các chính sách khuyến khích đầu tư về tài chính, pháp lý. Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện cải cách nhiều quy định về kinh doanh, đầu tư cũng như không ngừng nâng cao chất lượng lao động.
Kể từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các ưu đãi tài chính cực kỳ cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, như thuế khấu trừ bằng 0% đối với cổ tức chuyển ra nước ngoài và thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, chỉ 20%. Những lợi thế này đã giúp Việt Nam trở thành một “nền kinh tế cung ứng” hàng đầu trong mắt nhiều công ty nước ngoài.
Điều thú vị là Việt Nam đang trên đường trở thành điểm đến quan trọng về sản xuất công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn như Samsung, LG, Nokia, Intel,... Các "ông lớn" về công nghệ đã và đang đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Dẫn chứng là xuất khẩu điện thoại và các bộ phận máy tính hiện chiếm phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam so với hàng hóa may mặc
Đơn cử như Samsung, tập đoàn đã đưa Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu cho các sản phẩm của doanh nghiệp khi khối lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng sản lượng của công ty. Cho đến hiện tại, tổng lượng vốn mà Samsung đã rót vào thị trường Việt Nam đã ở mức hơn 17 tỷ USD.
Tham khảo: Brecoder