Sau 3 năm đàm phán, đến nay vẫn chưa rõ khi nào Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), trong khi các nỗ lực của Thủ tướng Theresa May nhằm đạt được một thỏa thuận với EU đều không nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong nước.
Điều này đã khiến người dân Anh chán nản, đổ xuống đường tuần hành quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, để đòi lại quyền quyết định cuối cùng về Brexit. Còn trong các cuộc khảo sát gần nhất, đa số người dân Anh đã bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại Ngôi nhà chung châu Âu.
Một cuộc biểu tình phản đối Brexit. Ảnh: BBC.
Ngày 23/3 vừa qua, với chiến dịch mang tên “Hãy để người dân quyết định”, khoảng hơn 1 triệu người dân Anh đã xuống đường tuần hành phản đối Brexit, yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần 2, đề nghị nữ Thủ tướng Anh Theresa May từ chức hay để người dân có quyền bỏ phiếu quyết định đối với bất cứ thỏa thuận Brexit nào được quốc hội Anh thông qua (nếu có). Từ mọi nẻo đường, người dân Anh với cờ châu Âu, các biểu ngữ phản đối Brexit … đã đổ dồn về Tòa nhà Quốc hội Anh.
Lý do khiến chiến dịch phản đối Brexit tại Anh thu hút được đông đảo quần chúng chính là những tác động tiêu cực của Brexit với một bộ phận dân chúng và doanh nghiệp, kèm theo sự bế tắc của tiến trình đàm phán Brexit khiến tình hình đất nước ngày một trì trệ, người dân mơ hồ về một tương lai khó đoán định.
Một số người dân Anh chia sẻ: “Đang có sự bế tắc trong Quốc hội lúc này, bởi vì dường như không ai có thể quyết định. Hãy đưa quyền đó trở lại với người dân, với hai lựa chọn khả thi nhất và rõ ràng, hoặc là ở lại EU, hoặc là rời đi theo thỏa thuận của Thủ tướng”.
“Về cơ bản, tôi đã bỏ phiếu cho Brexit 2 năm rưỡi trước. Nhưng thực sự chúng tôi đang bỏ phiếu cho cái gì.Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, chúng tôi thực sự không có những gì chúng tôi muốn. Thực tế, qua những năm qua, chúng ta nhận ra nó là 1 thảm họa”.
Với một bộ phận người dân và doanh nghiệp Anh, đó đúng là một thảm họa. Đến cả những tiểu thương bán hàng ở chợ Portobello, London cũng cảm nhận được sự tác động của Brexit “Những nỗi sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra? Nền kinh tế đang đi xuống, tôi đã cảm thấy điều đó”; “Cuối cùng, Liên minh châu Âu lại chính là bên bị đổi lỗi cho mọi vấn đề của đất nước. Brexit đã phá hủy công việc của tôi, đây không phải là việc chính của tôi. Doanh nghiệp của tôi đã bị phá hủy”.
Với nhiều người phản đối Brexit ngay từ đầu, đây là một cơ hội để họ tìm kiếm một cuộc trưng cầu Brexit lần 2, hoặc được quyền bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit khi quốc hội thông qua, nhằm lật ngược thế cờ: “Tôi thực sự cảm thấy rằng phần lớn những người trẻ tuổi ở đất nước này muốn ở lại EU. Tôi nghĩ, kể từ khi Brexit xảy ra, gần 2 triệu người dưới 18 tuổi đã bước sang tuổi 18, đủ để lật ngược kết quả của cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên, vì vậy chúng ta nên có một cuộc trưng cầu ý dân khác”.
“Hãy ngăn chặn sự điên rồ. Hãy dừng Brexit, hãy hủy bỏ điều 50, hãy bỏ phiếu, hoặc làm bất cứ điều gì để không Brexit nữa. Thật điên rồ. Đất nước đang phát điên.”, một người dân Anh nói.
Cuộc khảo sát do công ty thăm dò dư luận YouGov thực hiện cho thấy, nếu một cuộc trưng cầu dân ý mới được thực hiện ngay lập tức, sẽ có 46% cử tri Anh chọn ở lại trong EU, 39% chọn ra khỏi khối, và số còn lại không rõ sẽ lựa chọn thế nào hoặc từ chối trả lời câu hỏi. Nếu không tính đến số người còn băn khoăn và từ chối đưa ra câu trả lời, thì tỷ lệ chọn ở lại trong EU là 54%, so với mức 46% của những người chọn ra khỏi khối.
Kết quả này có sự tương đồng lớn với các cuộc khảo sát khác được thực hiện trong những tháng gần đây. Trong đó, người Anh có khuynh hướng chọn ở lại trong EU ngày càng nhiều hơn, trong khi số người Anh muốn Brexit song phải đi kèm điều kiện, là có 1 thỏa thuận “ly hôn” công bằng giữa Anh và EU.