Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may phục hồi khả quan dù trải qua nhiều yếu tố khó khăn, đạt 39 tỷ USD, tương ứng tăng trưởng 11% so với năm 2020 - tương đương với giá trị trước thời điểm Covid–19 (năm 2019). Cùng với đà hồi phục của ngành, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận mức tăng trưởng kinh doanh tích cực: VGT (+134% so với cùng kỳ), MSH (+91% so với cùng kỳ), STK (+93% so với cùng kỳ), TNG (+52% so với cùng kỳ).
Điều này được cho đến từ mức nền kinh doanh năm 2020 thấp; lượng đơn hàng truyền thống hồi phục và một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá sợi tăng cao.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra quan điểm khả quan đối với triển vọng toàn ngành Dệt may trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng các doanh nghiệp Dệt may tham gia vào thị trường Bất động sản tiếp tục diễn ra sẽ củng cố thêm triển vọng tươi sáng cho kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.
Triển vọng tích cực nhờ nhu cầu phục hồi và hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đơn hàng
Cụ thể, với chiến lược tiêm vaccine tốc độ thần tốc cùng với tỷ lệ tử vong giảm mạnh, BSC cho rằng việc tái phong tỏa trong năm 2022 khó có khả năng xảy ra, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của các nhà máy Dệt may
Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp Dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý 2/2022, thậm chí sang quý 3/2022. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng khả quan. BSC cho rằng các thương hiệu thời trang có thể lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam tiếp diễn sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2022.
Ngoài ra, BSC cho biết các doanh nghiệp dệt may trong năm 2022 đều có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy để phục vụ nhu cầu tăng thêm của khách hàng.
Bên cạnh xu hướng dài hạn chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn vẫn đang diễn ra, BSC cũng kỳ vọng trong năm 2022, Việt Nam được hưởng lợi hơn nữa so với các quốc gia đối thủ (Bangladesh, Myanmar) nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin cao và ổn định chính trị.
Thêm kỳ vọng tăng trưởng KQKD từ triển khai Bất động sản dựa trên lợi thế quỹ đất hiện hữu
Theo BSC, ngoài hoạt động cốt lõi, một số doanh nghiệp Dệt may sẽ còn là những "tay chơi" mới phân khúc Bất động sản dựa trên lợi thế quỹ đất hiện hữu như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) và CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL).
Với TNG, BSC chỉ ra triển vọng từ việc phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm và các bất động sản chung cư, văn phòng. Trong năm 2021 – 2022, TNG sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm, hiện đã hoàn thiện 50% diện tích của khu công nghiệp, tương đương với 35ha và sẽ xúc tiến việc bán hàng trong quý 2 năm 2021.
Trong năm 2021, công ty đang mở bán khu công nghiệp Sơn Cẩm 1 (hiện đã có khách hàng đặt cọc thuê 6 ha). Nhận thấy chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cũng như số lượng dự án công ty tham gia khá tham vọng, BSC cho biết chiến lược của TNG sẽ kết hợp với một bên có kinh nghiệm trong ngành để cùng phát triển dự án.
Với TCM, trong năm 2022, BSC kỳ vọng TCM sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh dự án TC1 sau một năm bị trì hoãn. Ngoài ra, trong dài hạn, công ty có kế hoạch phát triển dự án TC2 và TC3.
Với GIL, công ty sẽ tập trung triển khai dự án khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế và dự án khách sạn tại Bình Dương. Ngoài ra, công ty đề xuất đầu tư khu công nghiệp 720 ha tại Quảng Ngãi.
BSC lựa chọn 4 doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng khả quan nhất trong ngành Dệt may gồm: May Sông Hồng (MSH), TNG, May Thành Công (TCM), Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL).
Cụ thể, BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của TNG sẽ lần lượt đạt 6.948 tỷ đồng (+27%) và 402 tỷ đồng (+72%). Kỳ vọng TNG sẽ hưởng lợi từ triển vọng khả quan của ngành Dệt may; mở rộng công suất dây chuyền may thêm 16% và lợi nhuận đột biến từ ghi nhận dự án khu công nghiệp Sơn Cẩm.
BSC đánh giá TCM sẽ tăng trưởng từ mức nền thấp của năm 2021 khi công ty đã phải cắt giảm chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh triển khai dự án bất động sản TC1. Doanh thu và LNST của TCM có thể tăng lần lượt 17% và 39% so với cùng kỳ lên 4.154 tỷ và 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiềm năng của GIL trong năm 2022 sẽ đến từ việc mở bán khu công nghiệp Gilimex tại Huế.
Với MSH, BSC kỳ vọng đơn hàng từ Walmart và Columbia tăng giúp cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. MSH cũng sẽ mở rộng công suất nhờ Nhà máy Sông Hồng 10 và Nhà máy Sông Hồng - Xuân Trường đi vào hoạt động. Doanh thu và LNST dự phóng đạt 6.076 tỷ và 588 tỷ đồng.