Mới đây, BSC đã công bố báo cáo về Vĩ mô Thị trường năm 2022. Báo cáo tập trung vào sự tác động của những vấn đề thế giới đến tình hình vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. Cụ thể, các chuyên gia phân tích của BSC đã xem xét một số vấn đề trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, BSC cho rằng, lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ là vấn đề cần phải được quan tâm. Báo cáo cho biết, lạm phát năm 2021 tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 5 năm gần đây.
Cụ thể, chỉ số BCOM Index đạt mức 103,4, tăng 43,9% so với năm 2020, mức cao nhất trong giai đoạn 5 năm gần nhất. Còn chỉ số CTS - thước đo trung bình phí vận tải container, đạt mức 144,65, mức cao nhất trong 10 năm trở lại.
"Cả hai chỉ số này đều đang phản ánh mức giá cả hàng hóa tăng mạnh nhất trong chu kỳ kinh tế này. Lạm phát gia tăng đến từ sự khan hiếm nguồn cung, được tạo nên bởi sự thay đổi về chuỗi cung ứng toàn cầu sau chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, sự hồi phục mạnh của giá dầu và tình trạng dịch bệnh COVID-19 kéo dài hai năm", báo cáo phân tích.
Trước mức lạm phát tăng cao như vậy, một số ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã bắt đầu phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc FED phát tín hiệu nâng lãi suất 3 lần từ mức 0-0,25% lên 0,75-1%, kết thúc chương trình thu mua trái phiếu vào tháng 3/2022.
"Việc FED chính thức phát tín hiệu nâng lãi suất nhiều khả năng sẽ là điểm khởi đầu cho làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới năm 2022. Xu hướng này có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ mở rộng của SBV trong bối cảnh các ngân hàng xung quanh đều nâng mức lãi suất", báo cáo nhận định.
Thứ hai là sự "hạ nhiệt" của nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo phân tích, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều từ vị trí địa lý là trạm chung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Do đó, dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là nỗi lo vỡ nợ về thị trường bất động sản. Đặc biệt, thông tin vỡ nợ của nhóm Evergrande đang gây ảnh hưởng khá tiêu cực lên thị trường BĐS Trung Quốc. Tiếp đến là vấn đề khủng hoảng năng lượng. Nguyên nhân cuối cùng đến từ tốc độ chậm lại của nhóm ngành sản xuất, chế tạo.
Báo cáo dự đoán, các yếu tố trên có thể kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023, nếu chính quyền Trung Quốc không có biện pháp triệt để hạn chế mức độ của các yếu tố rủi ro trên. Hiện tượng này cũng sẽ gây mức ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023.
Gói kích thích kinh tế sẽ giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 0,9-1,1%
Về các vấn đề trong nước, báo cáo nhận định, sau một năm bùng nổ về nhiều khía cạnh, triển vọng TTCK 2022 được dự báo thận trọng hơn, khi các yếu tố quốc tế bớt dần tính thuận lợi mặc dù các yếu tố trong nước vẫn hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng.
Theo các chuyên gia phân tích của BSC, các yếu tố trong nước tác động đến thị trường chứng khoán gồm các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua sẽ tạo đà giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau kiểm soát dịch bệnh.
Về các chỉ số vĩ mô năm 2022, BSC xây dựng hai kịch bản dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ở kịch bản 1 là kịch bản tiêu cực, với GDP ước tính đạt tốc độ tăng trưởng 6%. Ngược lại, kịch bản 2 có chiều hướng tích cực hơn, với GDP ước tính đạt tốc độ tăng trưởng 6,6%.
BSC xây dựng hai kịch bản cho GDP Việt Nam trong năm 2022.
Trong đó, một số yếu tố có khả năng tác động đến GDP bao gồm cầu hàng hoá nước ngoài hồi phục; vốn đầu tư FDI được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn; chính sách tài khoá, tiền tệ mở rộng và điều kiện lao động kinh doanh được cải thiện.
Về yếu tố lạm phát, BSC cũng đã đưa ra 2 kịch bản dự báo. Ở kịch bản 1, CPI 2022 ước tính sẽ đạt mức 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá dầu ước tính sẽ đạt mức 80 USD/thùng. Giá điện trong năm 2022 và giá dịch vụ y tế có thể tăng mạnh trở lại sau khi chỉ đạt mức tăng nhẹ hoặc đi ngang trong giai đoạn 2 năm 2020-2022. Trong trường hợp này Giá điện và giá dịch vụ y tế có thể khiến CPI tăng thêm 1,3%.
Ở kịch bản thứ 2, CPI ước tính sẽ đạt mức 3% so với cùng kỳ. Trong đó, giá dầu ước tính sẽ đạt mức 70 USD/thùng. Giá điện và giá dịch vụ y tế duy trì ở mức thấp như hai năm 2020 và 2021 khi chính phủ vẫn quyết tâm thực thi chính sách bình ổn giá cả hàng hóa.
Hai kịch bản dự báo lạm phát 2022 của Việt Nam.
Liên quan đến gói kích thích kinh tế, phía BSC dự kiến sẽ có tác động lên tăng trưởng kinh tế theo hai kịch bản. Theo đó thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 0,9 - 1,1% trong năm 2022. Gói kích thích kinh tế là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm giai đoạn 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, các quốc gia và khu vực chủ chốt tiếp đà tăng trưởng sau dịch bệnh, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất trong nước hồi phục và mở rộng các Hiệp định thương mại quan trọng. Ngoài ra, BSC nhận định, thị trường đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn nhà đầu tư (NĐT) trong nước, và liên tiếp tạo ra kỷ lục về thanh khoản.
"Mặt bằng lãi suất thấp vẫn sẽ giữ chân NĐT trong nước nửa đầu năm 2022 trong khi áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường biên biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý", báo cáo phân tích.
Đồng thời, BSC cho rằng, luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực trong 2021 là văn bản pháp lý cao nhất kiện toàn các thành phần điều hành thị trường, cơ sở cho ra đời các sản phẩm mới hỗ trợ NĐT và qua đó có thể nâng hạng thị trường.
Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho biết, rủi ro phần lớn sẽ đến từ bên ngoài và lưu ý ở một yếu tố như NHTW các nước chủ chốt đẩy nhanh quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng lãi suất. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát dịch dưới kỳ vọng ảnh hưởng đến tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế. CPI và giá cả hàng hóa leo thang do chuỗi cung ứng gián đoạn. Tăng trưởng Trung Quốc chững lại và TTCK các nước phát triển có diễn biến tiêu cực hoặc đảo chiều.