Là một đơn vị đi đầu ngành thép với hoạt động tăng trưởng liên tục thời gian qua, bước sang năm 2018, tình hình ngành thép nhiều biến động, Hòa Phát theo đó đối diện với rủi ro giảm giá đầu ra. Đồng thời tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về sức tăng trưởng của "ông lớn" này thời gian tới.
Ghi nhận, kết thúc 11 tháng đầu năm, doanh thu Hòa Phát đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 8.100 tỷ đồng, hoàn thành sớm kế hoạch đề ra (lợi nhuận kế hoạch là 8.050 tỷ đồng).
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo sản lượng năm nay của Hòa Phát dự ở mức 2,3 triệu tấn sản phẩm. Chi tiết, sản lượng tiêu thụ 2018 của Tập đoàn dự kiến tăng 11%, BSC ước riêng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng dự kiến năm 2018 khoảng 2,3 triệu tấn.
Áp lực giá bán kéo dài từ năm 2018 sang cả năm 2019
Được biết giá bán thép 9 tháng đầu năm tăng khoảng 20% (đạt mức trên 13,5 triệu đồng/tấn), trong khi giá quặng sắt vẫn giữ ở mức ổn định (65-70USD /tấn) đã giúp cho Hòa Phát mặc dù phải tiến hành bảo trì lò cao nhưng vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận tốt.
Song, giá bán dự kiến giảm từ cuối năm 2018, BSC nhận định, bởi lo ngại sụt giảm nhu cầu thép tại thị trường Trung Quốc khi kinh tế nước này tăng trưởng chậm, do chiến tranh thương mại đã gây áp lực tương đối lên giá thép thế giới và quốc gia này. Theo đó, giá thép của Hòa Phát cũng bị ảnh hưởng, trong khoảng 3 tháng gần đây đã giảm 600.000 đồng/tấn, tương đương 4%.
BSC cũng cho rằng cổ tức dự kiến năm 2019 Tập đoàn vẫn sẽ duy trì ở mức 30% bằng cổ phiếu.
Chưa hết, áp lực này còn cảnh báo tiếp tục duy trì trong năm 2019, đồng thời mục tiêu để có thể tiêu thụ hết toàn bộ sản phẩm từ dự án Dung Quất giai đoạn 1 nhiều khả năng cũng tác động đến giá bán. Tựu trung, BSC dự kiến giá thép của Tập đoàn sẽ giảm xuống mức khoảng 12 triệu đồng/tấn trong năm 2019, tương ứng với mức giảm khoảng 8% so với trung bình năm 2018.
Như vậy, với giả định giá bán giảm 8%, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng thêm khoảng 1,5-1,7 triệu tấn, tăng 70% lên mức 4 triệu tấn, nâng thị phần dự kiến từ 23% lên 35%, BSC ước tính doanh thu Hòa Phát năm 2019 đạt 73.000 tỷ đồng, lãi ròng chạm mốc 10.000 tỷ đồng, tương ứng EPS 4.780 đồng.
Dự vay thêm 13.000 tỷ cho dự án Dung Quất
Về tình hình nợ vay, hiện tại tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đang ở mức 0,42, tương đối thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành mặc dù Hòa Phát vẫn đang trong quá trình đầu tư cho dự án Dung Quất (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ của các doanh nghiệp thép có vốn hóa tương đương Tập đoàn hiện đang ở mức 1,01). BSC dự kiến Hòa Phát sẽ tiến hành vay thêm khoảng 13.000 tỷ đồng để phục vụ dự án Dung Quất, đẩy tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của năm 2019 lên mức 0,7, vẫn là mức tương đối an toàn.
Tổng nợ phải trả của Hòa Phát cuối quý 3/2018 lên đến 44% tổng tài sản.
Về dự án Dung Quất, giới phân tích kỳ vọng sẽ giúp gia tăng mạnh công suất và thị phần của Hòa Phát. Với công suất tổng khoảng 4 triệu tấn và vị trí thuận lợi gần thị trường miền Nam, đến năm 2020 khi toàn bộ dự án được đưa vào hoạt động sẽ giúp Hòa Phát khẳng định vị thế dẫn đầu ngành thép nội địa, khai thác mạnh hơn thị trường miền Nam và xuất khẩu.
Hiện, dự án Dung Quất đang triển khai đúng tiến độ nhà máy cán số 1 đã đưa vào hoạt động, gần đạt công suất định mức. Còn lò cao số 1 dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối quý 1-2/2019. Theo kế hoạch bước sang năm 2020, Hòa Phát sẽ cho ra thị trường sản phẩm HRC đầu tiên.
Riêng năm 2018, Tập đoàn chủ trương hoàn tất đầu tư 28.000/40.000 tỷ đồng đầu tư dự án Dung Quất. Trong đó, toàn bộ 20.000 tỷ từ vốn chủ sở hữu đã được đầu tư, 20.000 tỷ còn lại từ nguồn vốn vay.
Nói đi cũng nói lại, trên quan điểm BSC, có 2 rủi ro luôn hiện hữu với đơn vị này, bao gồm:
(1) Liên tục áp lực bán từ các cổ đông nước ngoài, hiện tại quỹ PENMII đang đăng kí bán ra 20 triệu cổ phiếu gây áp lực lên giá cổ phiếu.
(2) Áp lực giảm giá đầu ra do xu hướng của thị trường và công suất mạnh.