Ngày 28-11, HĐND TP Cần Thơ đã tổ chức họp báo thông tin các nội dung liên quan đến kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7-12. Thông tin đáng chú ý là tại kỳ họp lần này, HĐND TP Cần Thơ dự kiến thông qua nghị quyết quy định khung cơ chế, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ (sân bay Cần Thơ).
Chờ ý kiến Bộ Tài chính
Trước đó, ngày 14-11, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã ký tờ trình gửi HĐND TP về việc thông qua quy định chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến sân bay Cần Thơ.
Theo tờ trình, UBND TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến sân bay Cần Thơ. Việc hỗ trợ thực hiện một lần và trong năm đầu tiên khai thác.
Cụ thể, đối với đường bay nội địa, trường hợp hạch toán lỗ dưới 5 tỉ đồng (sau khi được kiểm toán) được hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán của đường bay mới mở; lỗ trên 5 tỉ đồng được hỗ trợ với mức tối đa không vượt quá 5 tỉ đồng. Đối với đường bay quốc tế, nếu lỗ dưới 8 tỉ đồng sẽ được hỗ trợ theo mức lỗ được hạch toán của đường bay mới mở; lỗ trên 8 tỉ đồng được hỗ trợ với mức tối đa 8 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước.
Nhiều đường bay mới ở Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ hoạt động theo dạng thuê bao chuyến vào dịp hèẢnh: NGỌC TRINH
Liên quan đến đề xuất đang gây ra nhiều tranh luận này, bà Đặng Thị Anh Đào, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cần Thơ, cho biết về quy trình ban hành văn bản pháp luật của địa phương thì phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động. Vì thế, UBND TP Cần Thơ đã đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của TP trong vòng 1 tháng (từ ngày 18-8 đến 18-9). Tuy nhiên, đến nay không ghi nhận được ý kiến phản hồi nào.
"Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn TP có ý kiến cho rằng ban hành nghị quyết này là cần thiết nhằm thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đến TP Cần Thơ, qua đó kết nối được các tour, tuyến… nhằm tăng trưởng kinh tế, thương mại, du lịch của Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Mình muốn hợp tác, hỗ trợ với các hãng bay chứ không phải các hãng đặt vấn đề với mình" - bà Đào nhấn mạnh.
Theo bà Đào, UBND TP Cần Thơ sẽ tập hợp đủ các văn bản để HĐND TP xem xét tại kỳ họp sắp tới đây, nếu không đủ thì gác lại các kỳ họp HĐND sau.
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, thông tin thêm đây mới chỉ là dự thảo, địa phương sẽ còn xin ý kiến của Bộ Tài chính về việc dùng ngân sách để bù lỗ. Nếu Bộ Tài chính đồng ý chủ trương thì TP Cần Thơ mới thực hiện, không thì thôi.
"Rất thành công"
Trước nhiều ý kiến còn khác nhau về việc nhà nước dùng ngân sách bù lỗ cho hãng hàng không, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng đây là việc bình thường!
Ông Cường dẫn chứng từ trước đến nay, rất nhiều địa phương đã hỗ trợ hãng hàng không trong thời gian đầu mở đường bay mới để phát động thị trường và rất thành công. Từ năm 1992-1993, Lâm Đồng đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí quảng cáo cho các hãng hàng không; phối hợp với các hãng lữ hành tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch để giảm chi phí cho các hãng hàng không và thu hút sự quan tâm của người dân đối với tuyến/tour mới.
Gần đây, cùng với việc nâng cấp, mở rộng sân bay Cát Bi, TP Hải Phòng cũng hỗ trợ các hãng hàng không về kinh phí mở văn phòng đại diện tại TP, kinh phí quảng cáo hoặc giảm giá điều hành bay… Vào mùa hè năm nay, Quảng Bình đã công bố chi 5 tỉ đồng hỗ trợ Jetstar Pacific (JPA) để vận hành đường bay Đồng Hới - Cát Bi trong vòng 1 năm...
Theo ông Võ Huy Cường, việc hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới cũng là hoạt động bình thường của các quốc gia. Ví dụ, Singapore hỗ trợ toàn bộ kinh phí quảng bá trên truyền hình khi hãng hàng không nước ngoài mở đường bay mới đến/đi từ đảo quốc này trong năm đầu tiên. Sang năm sau, nếu sản lượng vận chuyển khách vượt so với năm trước, hãng hàng không sẽ được hỗ trợ 10 SGD trên mỗi hành khách vận chuyển.
Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cũng cho biết từ 3 năm nay, chính phủ Nhật Bản thực thi chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, trong đó có VNA. Việc hỗ trợ được tính theo sản lượng vận chuyển khách nhằm giúp các hãng giảm chi phí đầu vào trong thời gian mới mở đường bay đến Nhật. Nhiều đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc của VNA cũng được hỗ trợ kinh phí, mức cao nhất có thể lên đến 20.000 USD/chuyến...
Trong khi đó, thông tin từ Vietjet cho biết năm 2016, hãng mở nhiều đường bay nội địa và quốc tế đến/đi từ TP Hải Phòng một phần là do có sự ủng hộ và hỗ trợ rất tích cực từ địa phương.
Phải có phối hợp giữa 3 bên
Theo Vietnam Airlines, việc mở một đường bay mới phải có sự phối hợp giữa 3 bên: chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn và hãng vận chuyển. Đối với các địa bàn mà nhu cầu đi lại của người dân chưa cao thì càng cần phải có sự hỗ trợ của địa phương để phát động thị trường, dần thu hút người dân sử dụng dịch vụ.