Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, bên cạnh báo cáo của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số ngân hàng cũng đã có tham luận báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2018, đề xuất đối với nhiệm vụ năm mới.
Một đề xuất được cả 4 “ông lớn” ngân hàng TMCP Nhà nước kiến nghị tại hội nghị năm nay và thực tế là cả nhiều năm trước là câu chuyện tăng vốn.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, khẳng định nhiệm vụ tăng vốn đến nay đã “đặc biệt cấp bách”. Ông cũng khẳng định nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài đã được sử dụng hiệu quả 10 năm qua. Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho VietinBank.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Linh.
Ông Thọ cũng chỉ ra hệ quả của việc không thể tăng vốn là VietinBank không thể tăng trưởng về tín dụng từ tháng 9/2018 tới nay, không đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 của ngân hàng chỉ đạt 6,1%. “Việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế, tài trợ vốn cho nền kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn khi nguồn vốn của ngân hàng không được đáp ứng đủ”, ông Thọ phát biểu.
Chủ tịch VietinBank đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu 2017 - 2020 và chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi hệ số CAR của ngân hàng đảm bảo.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, cũng chia sẻ ngân hàng này phải phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để giải ngân nhu cầu vốn vụ mùa nông nghiệp. Ông Khánh cho biết đóng góp đáng kể trong đợt tăng vốn cấp 2 là của người lao động Agribank .
Ngoài đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho các ngân hàng tăng vốn điều lệ, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú còn đề nghị được tháo gỡ ràng buộc của nhà đầu tư nước ngoài để hoàn tất bán chiến lược.
Mới đây, Vietcombank đã phát hành xong 3% cho đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho) trong ngày cuối năm 2018, song lãnh đạo ngân hàng này vẫn cho hay nhu cầu tăng vốn rất bức thiết.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đề nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, giữ lại thặng dư. Đồng thời, Chủ tịch Vietcombank đề xuất nới tỷ lệ room nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động tăng vốn.
Đối với các đề xuất ngân hàng cho là “bức thiết” này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ lên lịch để có thể nghe đầy đủ các ý kiến từ các bộ ngành. Theo Thủ tướng, không có vốn ngân sách cho tăng vốn ngân hàng nhưng các ngân hàng cần tự lấy lợi nhuận để tăng thêm vốn sẽ có thêm tín dụng cho nền kinh tế.