Đối với ngành thép , một lĩnh vực đặc trưng với tính chất chu kỳ, tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong năm 2023 đã ghi nhận sự suy giảm, chủ yếu do tác động của tình hình kinh tế tổng thể và đặc biệt là thị trường bất động sản.
Trong quý IV/2023, "ông lớn" số 1 Việt Nam - Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận doanh thu đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 48% so với quý trước.
Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%. Trong đó, Thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022. Bên cạnh các dòng sản phẩm thép truyền thống, Hòa Phát đã đầu tư chế biến sâu, đẩy mạnh sản xuất các loại thép chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã công bố tình hình tài chính hợp nhất quý I niên độ 2023 - 2024 (từ 1/10/2023 đến 31/12/2023) với kết quả tích cực. Trong kỳ tài chính đầu tiên,Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 9.249 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ niên độ trước. Lãi sau thuế đạt 103,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 680 tỷ đồng kỳ 1 niên độ năm 2022-2023.
Bên cạnh hai doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng có lợi nhuận hồi phục, với mức tăng hàng trăm tỷ so đồng với quý IV/2022 có thể kể đến như Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á.
Tại Báo cáo riêng lẻ quý cuối cùng năm 2023 của CTCP Thép Vicasa - Vnsteel cho thấy, doanh thu thuần doanh nghiệp giảm nhẹ, ở mức 470,7 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy công ty đã có lãi trở lại sau quý III/2023 lỗ.
Lũy kế cả năm 2023, VCA đạt 1.725 tỷ đồng doanh thu, giảm 26%; lợi nhuận sau thuế đạt 7,1 tỷ đồng, lãi tăng mạnh so với mức lỗ gần 6 tỷ đồng năm 2022. Khoản lãi đã giúp VCA khắc phục tình trạng lỗ lũy kế so với thời điểm cuối năm 2022. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn không hoàn thành mục tiêu lãi 12 tỷ đồng đã đề ra.
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, CTCP Thép Pomina (POM) tiếp tục ghi nhận mức giảm nghiêm trọng trong doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, trong quý IV/2023, doanh thu của Công ty giảm tới 82% so với cùng kỳ, chỉ còn 333 tỷ đồng. Mặc dù công ty ghi nhận lãi gộp 22 tỷ đồng, khá hơn so với tình trạng lỗ gộp 242 tỷ đồng trong cùng kỳ, nhưng vẫn phải chịu chi phí lãi vay lên đến 215 tỷ đồng, tăng 48%.
Ngoài ra, Pomina cũng ghi nhận khoản lỗ khác lên đến 148 tỷ đồng trong quý IV/2023. Những yếu tố này đã dẫn đến mức lỗ ròng 313 tỷ đồng trong quý, vượt xa so với quý trước và đồng thời ghi nhận mức lỗ ròng trong 7 quý liên tiếp.
Ban lãnh đạo công ty đã lý giải rằng sự giảm sút đột ngột trong kết quả kinh doanh có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhà máy thép Pomina 3 vẫn tiếp tục ngưng hoạt động nhưng vẫn phải chịu nhiều chi phí, bao gồm cả chi phí lãi vay. Thứ hai, tình hình bất động sản vẫn đang ở mức đóng băng, dẫn đến mức giảm mạnh trong doanh thu và nhu cầu tiêu thụ thép, trong khi chi phí cố định và chi phí lãi vay cao đã góp phần tạo ra mức lỗ lớn.
Tính đến cuối năm, Pomina chỉ ghi nhận doanh thu thuần 3.281 tỷ đồng, lỗ sau thuế cả năm lên đến 960 tỷ đồng, vượt xa so với dự đoán là 150 tỷ đồng.
Tương tự như POM, Thép SMC cũng nối dài chuỗi kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.212 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. SMC báo lỗ ròng 330 tỷ đồng quý IV, cùng kỳ 2022 lỗ 515 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, Thép SMC ghi nhận 13.786 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 60% cùng kỳ năm ngoái. Thua lỗ 3 quý liên tiếp nên cả năm, công ty lỗ ròng 879 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 578 tỷ đồng. Đây cũng là năm có mức lỗ cao nhất kể từ khi hoạt động của SMC. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm ngoái âm 163 tỷ đồng.
Sự phục hồi về lợi nhuận trong ngành thép không đồng đều, nhưng tăng trưởng đáng kể về thị giá cổ phiếu thép, với mức tăng trung bình 58% trong năm 2023, vượt xa chỉ số VnIndex tăng 46%, đang tạo ra lo ngại trong giới chuyên gia tại Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research). Họ đặt ra nghi vấn về mức định giá hiện tại của cổ phiếu thép, lo rằng nó có thể quá cao và tạo ra khó khăn cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.
Nếu xét về thị giá, nhóm cổ phiếu thép đang giao dịch ở vùng định giá cao, phần lớn đã phản ánh triển vọng cho một năm tới thông qua chỉ số P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu). Dự báo P/E cho toàn ngành nằm trong khoảng 15-17 lần, cao hơn trung bình lịch sử khoảng 10 lần. Trong đó, theo dữ liệu từ iBoard của SSI, một số cổ phiếu được định giá cao bao gồm HSG của Hoa Sen với chỉ số P/E lên đến 578,2 lần, còn cổ phiếu HPG của Hoà Phát là 88,1 lần tính đến ngày 24-1-2024.
Năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước do ảnh hưởng của tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực từ Hoà Phát và Hoa Sen , cùng với sự kỳ vọng về phục hồi nền kinh tế, đặt ra nhiều hi vọng cho ngành thép trong năm 2024.
Các chuyên gia dự đoán rằng ngành thép đã có dấu hiệu chạm đáy vào quý IV/2023 và sẽ trải qua sự khởi sắc tích cực hơn trong thời gian tới. Năm 2024 có thể là cửa sổ mở ra cho ngành thép , với hy vọng vào sự ổn định và phục hồi, mặc dù còn những thách thức cần vượt qua từ biến động thị trường và yếu tố vĩ mô.
Tại Báo cáo Chiến lược đầu tư 2024 vừa công bố, các chuyên gia của AFA Capital cho rằng, ngành thép là một trong những ngành có triển vọng sáng trong năm mới. Thị trường nội địa là động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành.
AFA Capital cho rằng, mức chênh lệch thấp giá thép nội địa và Trung Quốc sẽ giúp ngành thép nội địa tránh được sự cạnh tranh của thép TQ nhập khẩu vào VN. Hiện nay, chênh lệch của thép nội địa và Trung Quốc đang ở mức 30 – 35 USD/tấn (thấp hơn mức trung bình 50 USD/tấn).
Nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
Giá quặng sắt và giá than cốc dự báo giảm trong năm 2024. Theo World Bank, giá quặng sắt trong năm 2024 kỳ vọng ở mức 108 USD/tấn; giảm 11% so với mức dự kiến 121,3 USD/tấn của năm 2023. Giá than cốc Australia xuất khẩu (giá FOB) trung bình cả năm kỳ vọng chỉ 190 USD/tấn; giảm mạnh năm thứ hai liên tiếp và giảm 24,0% so với mức dự kiến 250 USD/tấn của năm 2023.
Tuy nhiên, có những rủi ro từ thị trường Bất động sản Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu ấm lên trong bối cảnh nguồn cung dư thừa trở thành vấn đề nghiêm trọng cản trở sự phục hồi.
Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU có thể tạo thách thức về dài hạn cho xuất khẩu thép EU công báo Quy định thực thi (EU) 2023/1773 liên quan đến nghĩa vụ báo cáo mục đích của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong giai đoạn chuyển tiếp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2023.