Rồng Việt cho biết, 6 tháng năm nay, hoạt động xây dựng tăng trưởng chậm lại ở mức 7,85% (thấp hơn so với mức 9,16% trong năm 2018) và điều này ít nhiều ảnh hưởng lên nhu cầu tiêu thụ thép.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép nội địa nửa đầu năm đã sản xuất tổng cộng 12,6 triệu tấn thép, bán hàng 11,6 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu tấn, tăng lần lượt 7,7%, 9,8% và 6,3% so với 6 tháng 2018.
Rồng Việt nhận định, ngành thép nói chung tăng trưởng tương đương với tốc độ phát triển của ngành xây dựng, mặc dù tăng trưởng của từng nhóm sản phẩm có sự phân hoá.
Trong đó, tăng trưởng bán hàng thép xây dựng theo sát tăng trưởng ngành xây dựng nhất, trong khi tăng trưởng mảng ống thép có phần thấp hơn. Nhóm tôn mạ sau một thời gian liên tục tăng công suất đã bắt đầu xuất hiện dư cung. Cộng thêm việc tôn mạ Việt Nam gặp nhiều rào cản thương mại khi xuất khẩu, nhóm hàng này tăng trưởng tiêu thụ âm 5% trong 6 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu giảm gần 19% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất là mảng thép cán nóng (hot rolled coil - HRC). Hoạt động của nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất tổng cộng 2,1 triệu tấn thép HRC trong 6 tháng 2019, tăng 42% so với cùng kỳ và xuất khẩu khoảng 20% sản lượng sản xuất. Phần lớn thép cán nóng được tiêu thụ nội địa.
Rồng Việt cho rằng, thép cán nóng của Formosa Hà Tĩnh mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tôn mạ xuất khẩu, đặc biệt là sau khi Mỹ có quyết định áp thuế hơn 400% lên thép Việt Nam sử dụng thép nền Hàn Quốc và Đài Loan.
Thời gian vừa qua, năng lực gia công (cán nguội, mạ và sơn phủ màu) của Việt Nam tăng mạnh trong khi chuỗi sản xuất từ thượng nguồn không được chú trọng phát triển, vì vậy hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải nhập khẩu thép nền. Vì vậy, tôn mạ Việt Nam dùng thép nền Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã bị áp thuế tự vệ. Trong tương lai, Rồng Việt kỳ vọng với khoảng 5 triệu tấn HRC từ Formosa Hà Tĩnh và 3,5 triệu tấn HRC từ Hoà Phát Dung Quất (HPG), chuỗi sản xuất tôn mạ nội địa sẽ được khép kín, cải thiện giá trị gia tăng và mở ra cơ hội xuất khẩu tới nhiều thị trường đang áp thuế tự vệ đối với các nước sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Một biến động đáng quan tâm khác của ngành thép nội địa là việc Bộ Công thương đưa ra quyết định áp thuế Chống bán phá giá lên tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Rồng Việt cho rằng, 2 công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán là Nam Kim và Hoa Sen sẽ hưởng lợi từ quyết định này.
Cụ thể, Hoa Sen là doanh nghiệp đầu ngành đã bán tổng cộng hơn 282.000 tấn tôn mạ màu tại thị trường trong nước trong năm 2018, chiếm thị phần gần 35%, rõ ràng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này. Ngoài ra, Nam Kim tiêu thụ hơn 80.000 tấn tôn màu trong năm 2018, trong đó 50.000 tấn bán tại thị trường nội địa. Theo Rồng Việt, quyết định áp thuế này sẽ có lợi cho tốc độ tiêu thụ tôn mạ màu và tôn mạ nói chung của Nam Kim tại thị trường nội địa.
Về thị phần, Rồng Việt cho biết, không có nhiều biến chuyển trong mảng thép xây dựng khi Hòa Phát vẫn giữ vững thị phần ở mức trên 25%, theo sau bởi Pomina và Posco. Sau khi đưa các dây chuyền tại nhà máy Dung Quất vào hoạt động, Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng thị phần lên tiệm cận mức 30% trong năm 2020-2021.
Hòa Phát cũng chính là nhãn hiệu ống thép có mức tiêu thụ dẫn đầu ngành trong 6 tháng đầu năm (thị phần 32%), ngày càng bỏ xa Hoa Sen (thị phần 17%). Bù lại, Hoa Sen giữ vững vị thế trong mảng tôn mạ nhờ sở hữu chuỗi bán lẻ duy nhất trong ngành. Thị phần của HSG duy trì trên 30% trong nhiều năm gần đây và bỏ xa tất cả các doanh nghiệp tôn mạ nội địa khác nhờ lợi thế bán lẻ.
Ở mảng tôn mạ, Rồng Việt cho biết Tôn Đông Á đang vươn lên mạnh mẽ về thị phần, đạt 18% trong 6 tháng 2019, vượt Nam Kim (14%) trở thành "á quân" vê sản lượng tiêu thụ. Trong cơ cấu bán hàng của Tôn Đông Á, doanh nghiệp này có thế mạnh tại thị trường miền Nam khi bán 178.000 tấn tôn mạ, cao hơn Hoa Sen (157.000 tấn) tại khu vực này trong 6 tháng 2019.