Thống kê trên 25 ngân hàng thương mại cổ phần có thuyết minh về nợ xấu cho vay cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng tại 13 ngân hàng và giảm ở 11 ngân hàng khác, duy chỉ có VPBank vẫn duy trì mức tương đương hồi đầu năm.
Tổng giá trị nợ từ nhóm 3-5 của 25 ngân hàng trên tính đến thời điểm 30/9/2019 ở mức 96.290 tỷ đồng, tương đương tăng gần 13.000 tỷ so với hồi cuối năm 2018, tức tăng 15,5%.
Xét về giá trị, 4 ngân hàng có nợ xấu tăng lớn nhất bao gồm BIDV (3.634 tỷ), SHB (2.028 tỷ), VCB (1.402 tỷ) và VPB (1.135 tỷ), tuy nhiên so với mức tăng trưởng dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu ở những ngân hàng này lại không tăng quá mạnh, cá biệt với VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối quý 3 vẫn duy trì ở mức 3,5%, tương đương hồi đầu năm.
Trong khi đó, chỉ có 3 nhà băng có giá trị nợ xấu giảm gồm Saigonbank, SeABank và Eximbank, đáng chú ý, Eximbank có mức giảm mạnh nhất với 898 tỷ đồng.
Xét về mức tăng tỷ lệ nợ xấu, ABBank đột nhiên trở thành nhà băng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39% cuối quý 3 vừa qua. Cụ thể, tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn và nợ dưới tiêu chuẩn, lần lượt tăng 56% và 257%, trong khi đó, đây cũng là ngân hàng duy nhất ở thời điểm này công bố tăng trưởng tín dụng âm trong 9 tháng đầu năm (-0,1%). Dư nợ cho vay không tăng trong khi giá trị nợ xấu tăng mạnh đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này bị đẩy lên cao thứ 2 (sau VPBank).
Tăng mạnh thứ 2 là tỷ lệ nợ xấu tại NamABank. Ngược lại với ABBank, tăng trưởng dư nợ cho vay của NamABank lên tới 24% trong 9 tháng đầu năm, thế nhưng song song cùng với đó, nợ xấu cũng leo thang.
Nợ nhóm 3-4 của NamABank tăng mạnh trong 9 tháng, đưa nợ xấu của ngân hàng này cuối quý 3 lên gần 1.500 tỷ, tăng tới 91% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Ở chiều tỷ lệ nợ xấu giảm, đáng ghi nhận ở Eximbank khi giảm được 898 tỷ đồng nợ xấu. Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 3,3% đã khiến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm từ 1,85% hồi đầu năm xuống 0,95% cuối quý 3.
Một số nhà băng cho thấy sự kiểm soát nợ xấu chặt chẽ khi tỷ lệ nợ xấu được thắt chặt trong khi tín dụng vẫn được tăng cường đẩy mạnh. Cụ thể, tại VIB, dư nợ cho vay tăng tới 28,2% trong 9 tháng đầu năm, thế nhưng tổng nợ xấu của ngân hàng chỉ tăng 4% so với đầu năm, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay đã giảm từ 2,52% xuống còn 2,04%.
Tương tự là MSB khi tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới 3%, giảm từ 3,01% hồi đầu năm xuống còn 2,88% cuối quý 3 này, trong khi dư nợ cho vay vẫn được đẩy mạnh trên 18,6% trong 9 tháng.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.