Mới đây ngày 18/7, Tập đoàn Swire Pacific có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ chi 1,015 tỷ USD để thực hiện thương vụ mua lại hoạt động đóng chai và phân phối của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Dự kiến, giao dịch sẽ được hoàn thành trong vòng 6 tháng, tùy thuộc vào sự thỏa thuận chống độc quyền giữa hai bên.
Swire Pacific cho biết, thỏa thuận này sẽ giúp Tập đoàn mở rộng thị phần kinh doanh và trở thành công ty có đà phát triển ở lĩnh vực nước giải khát nhanh nhất Đông Nam Á.
Trước thông tin một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành đồ uống đổi chủ, bức tranh tài chính của Coca-Cola Việt Nam vì vậy được chú ý trở lại.
Theo tìm hiểu, Coca-Cola là một trong những thương hiệu nước ngoài lập nhà máy tại Việt Nam khá sớm, từ năm 1994. Song, phải sau 20 năm lỗ ròng triền miên, mãi đến năm 2013, Coca-Cola Việt Nam mới lần đầu tiên báo lãi (150 tỷ đồng) và đến năm 2015 mới lần đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều năm qua, nếu so với doanh thu thì lãi của công ty này rất khiêm tốn.
Năm 2020, Coca-Cola VN đạt doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, đồng thời khép lại đà tăng trưởng kể từ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 838 tỷ đồng, mặc dù vẫn rất thấp so với doanh thu nhưng lại là mức lãi ghi nhận cao nhất trong vòng 5 năm.
Do quá trình thua lỗ liên tục, đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế của công ty lên đến 4.100 tỷ đồng. Lợi nhuận của cả giai đoạn 2013-2020 vẫn chưa đủ bù đắp. Năm 2021 nếu vẫn duy trì được kết quả như những năm trước thì khả năng cao công ty đã xóa hết được khoản lỗ khổng lồ kia.
Đặt lên bàn cân với các đối thủ có dải sản phẩm tương đồng, nhìn chung cả năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kết quả kinh của các doanh nghiệp đồ uống đều ít nhiều bị sụt giảm. Song cùng với Suntory PepsiCo, Coca-Cola VN, URC vẫn nằm trong top 3 doanh nghiệp FDI thống lĩnh thị trường, ngoài ra có 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.
Cụ thể, với cơ cấu đồ uống đa dạng từ nước giải khát có ga, trà xanh, nước tăng lực, nước tinh khiết… Suntory Pepsi đang có quy mô doanh thu vượt trội và bỏ xa Coca-Cola và Tân Hiệp Phát. Năm 2020, Suntory PepsiCo ghi nhận doanh thu hơn 17.250 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả Coca-Cola VN và Tân Hiệp Phát cộng lại.
Với tác động của dịch bệnh, doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát cũng chững lại, năm 2020, doanh thu nhóm này giảm xuống còn xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 4, URC đạt gần 6.000 tỷ đồng. Chưa có thống kê chính thức nhưng vị trí thứ 5 nhiều khả năng thuộc về Masan Consumer. Doanh thu mảng đồ uống năm 2020 của Masan Consumer đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù quy mô doanh thu của Coca-Cola Việt Nam và Tân Hiệp Phát là tương đương nhau. Song, ghi nhận lãi sau thuế của Tân Hiệp Phát năm 2020 lại đạt đến hơn 2.600 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần Coca-Cola và vượt cả Suntory Pepsi.
Nhiều năm qua, lợi nhuận sau thuế của Coca-Cola cũng liên tục lép vế trước 2 đối thủ khi chưa từng chạm ngưỡng nghìn tỷ, trong khi 2 đơn vị còn lại đều vượt mốc này, thậm chí năm 2019 Tân Hiệp Phát còn sắp sửa đạt 3.000 tỷ lãi sau thuế. Điều đó có thể cho thấy tỷ suất lợi nhuận của Coca-Cola VN trong ngành rất thấp.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam có trụ sở chính ở số 485, đường Xa Lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. HCM. Người đại diện kiêm tổng giám đốc hiện nay là ông Ray Sanket, sinh năm 1973, quốc tịch Ấn Độ.
Coca-Cola Việt Nam hiện có các nhà máy đặt tại các thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các nhãn hiệu nước giải khát nổi tiếng của Coca-Cola tại Việt Nam không thể không nhắc tới là Coca Cola, Coca Cola Light, Coke Zero, Sprite, Fanta, Nutriboost, Dasani, Aquarius, Fuze Tea, Aquarius...
Trong lịch sử hoạt động, vào cuối năm 2019, Coca-Cola VN từng dính lùm xùm nợ thuế. Tổng Cục Thuế từng quyết định truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp Coca-Cola VN 821 tỷ đồng.
Về chủ mới của Coca-Cola VN, Tập đoàn Swire Pacific đang sở hữu thương hiệu Swire Coca-Cola Limited, vốn là đối tác lớn thứ 5 của Công ty Coca-Cola. Đây cũng là thương hiệu hợp tác chặt chẽ với Công ty Coca-Cola trong việc tiếp thị và phân phối nước giải khát ở Trung Quốc, miền Tây nước Mỹ, Hong Kong và Đài Loan. Với cơ cấu dân số trẻ, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng GDP (trước đại dịch) trên 7%/năm, Việt Nam có thể mở ra cơ hội đáng kể cho Swire Coca-Cola.