Bức tranh tài chính đầy bi đát của Inter Milan: Liên tục lỗ cả trăm triệu Euro, tiếp tục đứng trước nguy cơ đổi chủ

17/02/2021 11:44
Trong thời gian gần đây, tập đoàn Trung Quốc Suning đã tìm đối tác để bán lại một phần - thậm chí là toàn bộ nếu có thể - cổ phần của Inter Milan.

Dịch Covid - 19 đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các môn thể thao trong tương lai, khi mà tại nhiều quốc gia, khán giả vẫn chưa được phép vào sân nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh. Trong số đó, môn thể thao vua bóng đá chịu tác động nặng nề nhất khi với nhiều câu lạc bộ, việc bán vé mùa cũng như các sản phẩm lưu niệm là nguồn thu nhập chính của họ.

Khi mà nguồn tiền chính bị cắt bỏ, các vấn đề của những câu lạc bộ này mới bắt đầu lộ ra, trong đó có việc chi trả tiền chuyển nhượng và lương cầu thủ quá cao. Inter Milan chính là một trong những điển hình như thế, khi mới đây họ đang cần tới 200 triệu euro để tiếp tục hoạt động, dù rằng được ông chủ Trung Quốc giàu có đứng sau.

Inter Milan là câu lạc bộ bóng đá của Italia được thành lập từ năm 1908, sở hữu nhiều thành tích đáng nể trong đó có cú ăn 3 lịch sử năm 2010 với huấn luyện viên Jose Mourinho. Là một trong những câu lạc bộ hàng đầu nước Ý với lượng cổ động viên đông đảo, dễ hiểu vì sao Inter Milan chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc khán giả không được vào sân.

Trong những năm vừa qua, họ đã chi ra hàng trăm triệu đô la để tái thiết đội bóng, sau khi những người Trung Quốc mua lại Inter từ tay cựu chủ tịch Massimo Moratti với mức giá 270 triệu euro năm 2016. Dưới sự lãnh đạo của tập đoàn Suning cùng túi tiền khổng lồ của người Trung Quốc, lần lượt Lukaku, Eriksen và Barrela cập bến đội bóng xanh đen vùng Milan bằng những khoản phí chuyển nhượng khổng lồ, giúp họ trở lại vị thế hàng đầu tại giải quốc gia đồng thời trở lại với giải đấu danh giá nhất châu Âu UEFA Champions League. Tuy nhiên niềm vui của họ không kéo dài được lâu khi dịch Covid đã làm thay đổi tất cả.

Theo báo cáo tài chính được câu lạc bộ công bố, trong năm tài chính kết thúc vào 30/6/2020, doanh thu của họ giảm 45 triệu euro so với mùa giải trước, chỉ đạt 372.4 triệu euro. Lợi nhuận sau thuế của câu lạc bộ ở mức âm 102.4 triệu euro, chủ yếu do ảnh hưởng từ việc khán giả không thể đến sân và bản quyền truyền hình. Mặc dù doanh thu từ việc bán vé chỉ giảm nhẹ từ 18.6 triệu euro xuống 16.8 triệu euro nhờ vào việc tăng giá vé, tuy nhiên những thiệt hại từ việc bán đồ lưu niệm và bản quyền truyền hình của câu lạc bộ đã khiến họ chịu nhiều tác động.

Trong đó, các doanh thu từ việc bán đồ lưu niệm và các hoạt động liên quan giảm mạnh từ 125.9 triệu euro chỉ còn 74.5 triệu euro (tương ứng giảm 40.8%); doanh thu từ bản quyền truyền hình, đặc biệt là từ Series A và Copa Italia - 2 giải đấu trong nước giảm mạnh từ 87.2 triệu euro xuống chỉ còn 69.8 triệu euro (-20.02%). Điểm tích cực duy nhất của Inter trong bảng doanh thu đó là việc họ thu được nhiều hơn từ việc bán cầu thủ, trong đó đáng kể nhất là việc bán Mauro Icardi cho gã nhà giàu nước Pháp PSG.

Bức tranh tài chính đầy bi đát của Inter Milan: Liên tục lỗ cả trăm triệu Euro, tiếp tục đứng trước nguy cơ đổi chủ - Ảnh 1.

Chi tiết doanh thu của Inter Milan trong mùa giải vừa qua (Ảnh: Inter Milan)


Trong khi doanh thu giảm thì chi phí của câu lạc bộ lại tăng thêm, từ 428.2 triệu euro lên 443.9 triệu euro. Nguyên nhân là do tổng số nhân viên đăng ký với FIGC tăng thêm cùng khoản tiền 6 triệu euro phải trả cho Nike do một số thoả thuận đã ký giữa hai bên.

Thêm vào đó, những khoản phí chuyển nhượng khổng lồ cho những cầu thủ nổi tiếng, hay chi phí lương lớn cho Alexis Sanchez - cầu thủ tới với câu lạc bộ dưới dạng chuyển nhượng tự do cũng làm cho Inter Milan lao đao. Chi phí này tăng từ 106 triệu euro lên tới hơn 139 triệu euro (+31.1%), cho thấy việc chi tiêu vào những bản hợp đồng kỷ lục mặc dù giúp thành tích sân cỏ của Inter tốt hơn nhiều, nhưng cũng làm cho tình hình tài chính của họ trở nên cực kỳ bết bát trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn đang hoành hành.

Bức tranh tài chính đầy bi đát của Inter Milan: Liên tục lỗ cả trăm triệu Euro, tiếp tục đứng trước nguy cơ đổi chủ - Ảnh 2.

Các chi phí của Inter tăng trong năm tài chính vừa qua (Ảnh: Inter Milan)


Chính vì việc doanh thu giảm nhưng những khoản chi phí lại tăng dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế của Inter Milan ở mức âm rất nặng, tới hơn 100 triệu euro. Tình hình tài chính của Inter Milan sau mùa giải 2019 - 2020 tương đối tệ hại, giống như nhiều câu lạc bộ lớn khác ở châu Âu như Barcelona, Real Madrid, Juventus...

Bức tranh tài chính đầy bi đát của Inter Milan: Liên tục lỗ cả trăm triệu Euro, tiếp tục đứng trước nguy cơ đổi chủ - Ảnh 3.

Inter Milan thua lỗ nặng nề trong mùa giải vừa qua (Ảnh: Inter Milan)


Bên cạnh việc kết quả kinh doanh bết bát do ảnh hưởng của dịch Covid, Inter Milan cũng chịu nhiều tác động xấu do việc làm ăn không được thuận lợi của tập đoàn Suning. Mặc dù là một trong những công ty bán lẻ hàng đầu Đại Lục và được hậu thuẫn bởi Alibaba của Jack Ma, tuy nhiên những khoản vay nợ khổng lồ đang khiến Suning gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Mặc dù vào cuối năm ngoái, họ đã trả được khoảng 1.5 tỷ USD nợ phải trả, tuy nhiên cho tới cuối năm nay, họ có nghĩa vụ thanh toán tới 1.2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn - tương ứng với hơn một nửa số nợ hiện tại của họ.

Do đó, trong thời gian gần đây, Suning đã tìm đối tác để bán lại một phần - thậm chí là toàn bộ nếu có thể - cổ phần của Inter Milan. Tuy nhiên các cuộc đàm phán không đạt được nhiều tiến triển. Đối tác có thiện chí nhất là BC Partners đã dừng các cuộc đàm phán khi họ chỉ muốn mua lại cổ phần của Suning tại Inter với giá 750 triệu euro, trong khi tập đoàn Trung Quốc muốn 900 triệu. Vì vậy, trong thời gian tới đây, nhằm giữ được quyền sở hữu với câu lạc bộ và cũng để duy trì hoạt động ổn định, Suning cần vay tới 150 - 200 triệu euro từ các ngân hàng. Tuy nhiên theo những nguồn tin thân cận cho biết, khả năng họ huy động được khoản vay này là không cao.

Bức tranh tài chính đầy bi đát của Inter Milan: Liên tục lỗ cả trăm triệu Euro, tiếp tục đứng trước nguy cơ đổi chủ - Ảnh 4.

Suning nhiều khả năng phải bán lại Inter Milan do khó khăn tài chính (Ảnh: Financial Times)

Như vậy, có thể thấy sau khi đầu tư và bước đầu mang lại thành công cho Inter Milan, dịch Covid - 19 đã khiến cho cả câu lạc bộ bóng đá của Ý và chủ sở hữu tới từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Dưới áp lực tài chính rất lớn như hiện tại, việc Suning bất chấp tất cả để giữ Inter là rất khó; đặc biệt nếu họ không thể huy động được khoản tiền khổng lồ nêu trên để giữ cho câu lạc bộ hoạt động ổn định. Vì vậy, rất có thể trong thời gian tới, một lần nữa Inter Milan sẽ lại thay đổi những ông chủ của mình với một tương lai thắt lưng buộc bụng hơn rất nhiều so với hiện nay.

Tin mới

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thu hồi sữa Hofumil Gold Plus nằm trong đường dây sữa giả
22 giờ trước
Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty thuộc đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa được cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá.
THACO AUTO tri ân khách hàng dịp lễ 30/4 và 01/5
22 giờ trước
Chào mừng đại lễ 30/4 và 01/5, THACO AUTO triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt cùng nhiều quà tặng hấp dẫn cho khách hàng mua xe thương hiệu Kia và Mazda trên toàn quốc.
Vé máy bay dịp 30/4 tăng chóng mặt: Một địa điểm có giá vé tăng gần gấp đôi dù đi bất kì đâu
23 giờ trước
Mặc dù giá vé máy bay dịp lễ 30/4 năm nay đều có xu hướng tăng so với ngày thường, nhưng riêng các chặng bay xuất phát từ nơi này lại tăng gần gấp đôi, có hành trình thậm chí ngang ngửa với cao điểm Tết Nguyên đán.
Ra mắt Rolls-Royce Ghost Series II giá từ 34,9 tỷ đồng: ‘Thảm bay’ của giới đại gia Việt
1 ngày trước
Rolls-Royce Ghost Series II là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời của thế hệ thứ 2 ra mắt vào năm 2020.
Vụ gần 600 loại sữa giả tung hoành suốt 4 năm: Doanh nghiệp chiết khấu 60% chưa kể quà cáp lễ Tết; bác sĩ chỉ định mua uống
1 ngày trước
Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng sữa thì sở dĩ các shop nhiệt tình tư vấn bán hàng cho những doanh nghiệp này bởi chính sách chiết khấu được hưởng rất cao, dao động từ 40 - 60%, chưa bao gồm các chương trình tặng quà tri ân khách hàng vào dịp cuối năm, lễ tết.

Tin cùng chuyên mục

Từng hạn chế hàng ngoại, người Nhật Bản quay xe dùng một mặt hàng từ Mỹ dù giá đắt đỏ, nguồn cung trong nước liên tục thiếu hụt
1 ngày trước
Dù phải chịu thuế nhập khẩu tuy nhiên mặt hàng này từ Mỹ về Nhật Bản vẫn rẻ hơn mức giá tại thị trường nội địa.
Đặt cược vào Việt Nam, một mặt hàng điện tử cả thế giới khao khát đã "nhảy múa" thoát thuế quan như nào?
1 ngày trước
Trong những ngày đầu tháng 4, 90% số lượng thiết bị xuất sang Mỹ đều đến từ Việt Nam.
Bất chấp Mỹ siết thuế, người tiêu dùng toàn cầu vẫn 'đổ xô' mua xe điện
2 ngày trước
Doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 29% trong tháng 3, chủ yếu đến từ Trung Quốc và châu Âu.
Sau Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia thứ 2 được Apple "ưu ái" làm điều này, ngay cả Mỹ hay Nhật cũng chưa từng có!
2 ngày trước
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên toàn cầu được Apple ưu ái tính năng này.