Với việc triển khai nhiều giải pháp điều hành tín dụng, nên tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và các nhu cầu đời sống chính đáng của doanh nghiệp, người dân.
Tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát
Chia sẻ về điều hành tín dụng 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, để tạo điều kiện, tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Theo đó, đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay phục vụ đời sống tăng 8,14% và chiếm 20,09% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,88% và chiếm 17,71%).
Một số ngân hàng đã tích cực triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng, ví như Agribank triển khai chương tình tín dụng tiêu dùng có quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, đến nay đã cho 34.761 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay đạt 677,8 tỷ đồng, dư nợ đạt 500,5 tỷ đồng.
Hay Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt 196.341 tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ gia đình đang còn dư nợ, tăng 4,55% so với năm 2018.
Ước đến cuối tháng 6/2019, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 6,43%, tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ tăng 7,3%, ngành nông lâm nghiệp thủy sản tăng 4%.
Còn với các lĩnh vực ưu tiên: dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 15,5% (năm 2018 giảm 1,42%, chiếm 3,01%); doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%); lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,53% (năm 2018 giảm 2,2%, chiếm 0,36%); nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8% (năm 2018 tăng 21,4%, chiếm 24,8%); công nghiệp hỗ trợ tăng 5,81% (năm 2018 tăng 14,58%, chiếm 3,09%).
Song song với việc đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát.
Trong đó, tín dụng cho vay bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018, trong đó: tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018; tín dụng tiêu dùng bất động sản (không phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản) đạt 919,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2018.
6 tháng cuối năm: ưu tiên lĩnh vực sản xuất
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm.
Có thể kể đến như: sản xuất nông nghiệp bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định... ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng; công tác thu hồi nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng; việc triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội còn khó khăn do chưa được bố trí đủ nguồn vốn; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn do còn thiếu văn bản hướng dẫn về cách xác định vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi thực hiện chuyển đổi mô hình...
Trên cơ sở những khó khăn đang tồn tại, đồng thời phát huy các kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
Ngành ngân hàng cũng sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Đồng thời, rà soát đề xuất hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính; phối hợp bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nâng mức cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi (học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm), mở rộng đối tượng vay vốn và mục đích vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu cơ bản của hộ mới thoát nghèo...
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, diễn biến thị trường bất động sản để có chỉ đạo điều hành phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao, tỷ trọng lớn; đẩy mạnh công tác truyền thông về định hướng điều hành cũng như các điều chỉnh quy định về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.