Tranh chấp từ dự án nhà ở xã hội...
Tại Dự án nhà ở xã hội Bright City (AZ Thăng Long) thời gian vừa qua đã liên tục xảy ra những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, khi dự án chậm tiến độ bàn giao nhà và sau đó dừng lại không triển khai. Chủ đầu tư dự án AZ Thăng Long còn muốn phá hợp đồng với cư dân. Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là vì chính sách về gói vay 30.000 tỷ đồng của Chính phủ chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn và không thể xây dựng tiếp được.
Cư dân AZ Thăng Long căn băng rôn đòi chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng. |
Xung đột của dự án AZ Thăng Long liên tục và đến cuối tháng 4, hàng trăm cư dân Bright City kéo nhau đến nơi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng BIDV để "cầu cứu". Cư dân kêu gọi BIDV có trách nhiệm giải quyết vụ Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long không giao nhà ở đúng thời hạn và dự án có khả năng không hoàn thành.
Vào đầu tháng 5, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp với cư dân, chủ đầu tư và Ngân hàng BIDV để giải quyết những tranh chấp. Chủ đầu tư dự án AZ Thăng Long hứa đến trước ngày 30/5/2018 sẽ chuyển tiền đối ứng để tiếp tục thực hiện dự án. Đến ngày 29/5/2018, người dân vẫn chưa nhận được những thông báo cụ thể.
... đến các chung cư cao cấp
Tại các dự án chung cư cao cấp như Discovery Complex 302 Cầu Giấy, Star City, Khu đô thị Gamuda Gardens… tranh chấp cũng liên tục phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và cư dân.
Chủ đầu tư Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy (Hà Nội) bàn giao căn hộ và đưa cư dân vào sửa chữa và ăn ở khi chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định. Diện tích căn hộ khi bàn giao cho khách hàng thực tế lớn hơn so với diện tích trong hợp đồng mua – bán căn hộ đã được ký kết ban đầu, cư dân cho là chủ đầu tư cố ý điều chỉnh thiết kế chứ không phải sai số trong xây dựng.
Mô hình ST5 đang xin thay đổi quy hoạch ở khu đô thị Gamuda Gardens khiến người dân khu đô thị phản đối. |
Với dự án Star City tại 81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đã được hoàn thành và bàn giao cho người dân từ năm 2014. Tới nay, quỹ bảo trì chỉ được bàn giao 2,4 tỷ đồng (trong tổng số hơn 30 tỷ đồng) và chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người dân. Người dân gửi đơn các cơ quan chức năng cầu cứu và tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm của mình.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, có hơn 100 tòa chung cư trên địa bàn thành phố đang xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.
Xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe
Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc công ty Luật Trường Sơn, liên quan đến tranh chấp chung cư có 8 vấn đề. Đó là, chậm tiến độ xây dựng, sai lệch thiết kế dẫn đến chênh lệch diện tích, liên quan tới phí bảo trì, diện tích chung riêng, chỗ để ô tô xe máy, giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, một số yếu tố pháp lý của hợp đồng và công tác PCCC.
Trong tranh chấp, người mua nhà tuy là số đông nhưng lại yếu thế hơn so với chủ đầu tư. Do đó, người dân cần có tư vấn pháp luật đầy đủ hơn nữa chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi quy định pháp luật, chế tài không đủ sức răn đe thì chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm rồi thực hiện các hình thức khác nhau để sửa lỗi, tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp, luật sư Trương Anh Tuấn phân tích.
“Để giải quyết tranh chấp thì cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Ví dụ trong trường hợp sai lệch thiết kế lỗi do chủ đầu tư gây ra, nếu xét thấy không vi phạm đến an ninh, trật tự thì cấp sổ đỏ cho người dân, còn phạt chủ đầu tư nặng để chủ đầu tư lỗ do sai phạm. Hiện nay, với việc sai lệch 1-10 m diện tích căn hộ chủ đầu tư lãi cả hàng trăm triệu đồng, nếu phạt chỉ vài chục triệu rõ ràng chủ đầu tư sẵn sàng đánh đổi” - luật sư Trương Anh Tuấn nói./.