Kết thúc năm 2020, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh. VietinBank báo lãi riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43%. Dư nợ tín dụng hợp nhất năm 2020 tăng 7,7% so với 2019. Nguồn vốn huy động tăng 11%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục cải thiện 15,5% so với năm 2019.
Vietcombank công bố lợi nhuận đi ngang đạt 23.000 tỷ đồng trước thuế dù đã dành hơn 3.700 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng này tăng trưởng tín dụng 13,95% trong năm qua, tương đương 110.000 tỷ đồng. Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6% - thấp kỷ lục, giảm so với mức 0,78% của 2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 380%.
Riêng BIDV báo giảm lợi nhuận hợp nhất 16%, còn 9.017 tỷ đồng trong năm 2020. Ngân hàng này cho biết đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của NHNN.
Đầu năm 2020, Phó Thống đốc Đào Minh Tú từng đề cập lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10 - 20%. Ảnh: L.Hải. |
Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, nhiều đơn vị báo lãi vượt kế hoạch, tăng trưởng cao. Đơn cử, MSB báo lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Tổng thu nhập thuần tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng.
TPBank báo lãi trước thuế tăng 11% đạt hơn 4.200 tỷ đồng, vượt 32% chỉ tiêu được cổ đông giao. Chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần CIR ở mức 39,69%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,14%.
ACB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. ABBank đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận 2020. Trước đó, VIB báo lãi 4.560 tỷ đồng trước thuế sau 10 tháng, hoàn thành kế hoạch năm, vượt lợi nhuận cả năm 2019.
Tăng trưởng trước áp lực trích lập nợ xấu
VietinBank là ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2021. Nhà băng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng khoảng 3-6%. Tín dụng tăng 8 - 11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20%.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định Nghị định 121 đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước huy động vốn và cải thiện tăng trưởng kinh doanh. VietinBank đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục cần thiết để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017 và 2018 với tổng tỷ lệ 28,8%. Mặt khác, SSI Research cho rằng VietinBank có thể nhận 350 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife và thu nhạp từ bán bảo hiểm sẽ tăng 30-50% trong năm 5 năm tới, đóng góp vào kết quả chung.
Trong khi đó, BIDV không công bố kế hoạch lợi nhuận. Ngân hàng này đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng 12%, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao và huy động vốn tăng trưởng khoảng 12 – 14,8%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%.
|
Ngân hàng sẽ phân hóa tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc vào dự phòng nợ xấu. Ảnh: Bảo Linh. |
Trong báo cáo về ngành ngân hàng, SSI Research dự báo lợi nhuận NHTM quốc doanh ước tính tăng 30% so với năm 2020. Trong khi đó, NHTM cổ phần kỳ vọng cao hơn 17,2%. Tính chung, đơn vị phân tích nhận định lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm trước.
CTCK VNDirect (VNDirect), dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vào năm sau. Hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Các ngân hàng sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro.
Tuy nhiên, theo SSI Research trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.
Việc dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những nhà băng đã đẩy mạnh trích lập trong năm trước sẽ ít chịu áp lực từ việc sửa đổi Thông tư 01 và đạt tăng trưởng cao hơn.