Reuters cho biết cô Terry Leavitt đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao California. Người phụ nữ này nói rằng cô đã sử dụng các sản phẩm "Baby Powder" và "Shower to Shower" của Johnson&Johnson (J&J) có chứa bột Talc và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trung biểu mô vào năm 2017.
Leavitt cho rằng amiăng có trong các sản phẩm chứa bột Talc là nguyên nhân khiến cô mắc phải căn bệnh này.
Sau khi cân nhắc 2 ngày, bồi thẩm đoàn ở bang California đã ra phán quyết yêu cầu J&J phải bồi thường số tiền 29,4 triệu USD cho cô Leavitt. Họ nhận thấy các sản phẩm chứa bột Talc của J&J gặp vấn đề và công ty đã không cảnh báo cho người tiêu dùng về các nguy cơ sức khỏe.
Văn phòng của Johnson & Johnson tại bang California - Mỹ. Ảnh: Reuters
Phán quyết tại Tòa án Tối cao California đánh dấu lần đầu tiên một vụ kiện sản phẩm chứa bột Talc của J&J được đưa ra xét xử kể từ tháng 12 năm ngoái. Công ty chăm sóc sức khỏe này đang phải đối mặt với hơn 13.000 vụ kiện liên quan đến bột Talc trên toàn quốc.
Sau phán quyết của tòa án, J&J tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời chỉ ra "các vấn đề nghiêm trọng về thủ tục và bằng chứng" trong quá trình xét xử. Công ty nói rằng luật sư của cô Leavitt không trình ra được sản phẩm chứa amiăng để làm chứng cứ.
J&J cho biết hôm 13-3: "Chúng tôi tôn trọng quy trình pháp lý và nhắc lại rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn không phải là kết luận y tế, khoa học hoặc quy định về một sản phẩm".
Trong khi đó, Công ty New Brunswick, trụ sở tại bang New Jersey – Mỹ, phủ nhận bột Talc của họ gây ung thư. Công ty dẫn nhiều nghiên cứu và xét nghiệm của các nhà quản lý trên toàn thế giới chỉ ra rằng bột Talc của họ "an toàn và không chứa amiăng".
Các vụ kiện bột Talc trước đó tập trung vào cáo buộc đây là tác nhân gây ung thư buồng trứng. Gần đây, các luật sư của nguyên đơn tập trung tranh luận về việc amiăng gây ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô - một dạng ung thư liên quan đến phơi nhiễm amiăng.
(Theo Reuters)