Sự tham gia của Trung Quốc vào các tổ chức toàn cầu không chỉ phục vụ mục đích nâng cao vị thế của Bắc Kinh mà còn là điều cần thiết. Khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu sẽ gặp khó khăn hơn nếu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, không đóng vai trò dẫn đầu trong tiến trình này.
Nếu các tổ chức toàn cầu cảm thấy bất an khi bổ nhiệm người Trung Quốc vào các vị trí hàng đầu, tính chính đáng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Trước vụ bắt giữ ông Mạnh, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế là điều không có gì phải bàn cãi. Với sự tăng trưởng đáng kể về kinh tế, quân sự và văn hóa trong 40 năm qua, Bắc Kinh dĩ nhiên cũng muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực toàn cầu.
Ông Mạnh Hoành Vĩ khi còn làm Chủ tịch Interpol Ảnh: REUTERS
Việc bầu chọn người Trung Quốc vào vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế còn xuất phát từ các nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, 192 nước thành viên Tổ chức Hàng không Dân sự quốc tế (ICAO) đã bầu bà Liu Fang, một người Trung Quốc, làm tổng thư ký. Đây là lựa chọn dễ hiểu bởi lĩnh vực hàng không thương mại Trung Quốc được dự báo dẫn đầu thế giới vào năm 2022.
Dù vậy, với hành động tạm giữ ông Mạnh Hoành Vĩ mà không thông báo trước với Interpol, Trung Quốc đã cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Chưa hết, chính phủ Trung Quốc hiếm khi thừa nhận mình làm sai và khó có thể bảo đảm rằng họ sẽ tôn trọng các quy tắc quốc tế trong tương lai.
Đây là bước lùi đối với Trung Quốc và cũng là thế khó đối với các tổ chức quốc tế đang phụ thuộc vào sự hợp tác toàn cầu để quản lý hoặc giải quyết những vấn đề tác động đến mọi người dân trên thế giới.