Chiều 20-11, VinFast đã giới thiệu ba dòng ô tô đầu tiên cùng xe máy điện trong chuỗi sản phẩm. Hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 từng xuất hiện tại triển lãm Paris, trong khi xe cỡ nhỏ giá bình dân Fadil lần đầu ra mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Giới kinh doanh ô tô và các chuyên gia đánh giá chiếc ô tô thương hiệu Việt đến với người Việt không chỉ tác động tích cực đến thị trường ô tô mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển trong thời gian tới.
Tác động tích cực lên thị trường ô tô
Ở giai đoạn đầu, các mẫu xe trên sẽ được bán theo chính sách ưu đãi. Theo đó, VinFast Fadil có giá bán từ 336 triệu đồng; Fast Lux SA2.0 là 1 tỉ 136 triệu đồng và 800 triệu đồng cho mẫu Lux A2.0.
Trong ba mẫu xe của VinFast vừa ra mắt, chiếc xe phân khúc cỡ nhỏ thương hiệu Fadil nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Lý do là khi mẫu ô tô này ra mắt sẽ giúp thị trường xe cỡ nhỏ, linh hoạt, giá rẻ và có số lượng tiêu thụ lớn trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Cụ thể, nằm ở phân khúc này, Fadil sẽ cạnh tranh với hàng loạt đối thủ thường trực nằm trong tốp 10 xe bán chạy hằng tháng tại Việt Nam như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Toyota Wigo. Hiện tại Hyundai Grand i10 có giá bán 315-415 triệu đồng, Kia Morning có giá 290-393 triệu đồng, Toyota Wigo 345-405 triệu đồng, Chevrolet Spark giá 259-329 triệu đồng. Mỗi mẫu xe đều có doanh số bán hàng từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn chiếc mỗi năm.
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành (Hà Nội), nhìn nhận việc xuất hiện thêm sản phẩm xe cỡ nhỏ giá trên dưới mức 400 triệu đồng sẽ tác động tích cực lên thị trường ô tô nước ta. Điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhất là phân khúc phù hợp với túi tiền của đa số khách hàng muốn sở hữu ô tô.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan mẫu ô tô VinFast của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: TTXVN
“Đặc biệt, chiếc ô tô mang thương hiệu Việt sẽ tác động tâm lý với người tiêu dùng trong nước ủng hộ hàng Việt. Dự báo cuộc chiến xe giá rẻ sẽ hấp dẫn, tác động lên mặt bằng giá ô tô nội địa rất lớn” - ông Trường dự báo.
Ông Võ Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Bình Minh, cũng cho rằng khi thêm đối thủ cạnh tranh, khách hàng Việt thêm lựa chọn, buộc các đối thủ khác sẽ chạy đua hút khách bằng chất lượng dịch vụ, khuyến mãi, cạnh tranh bằng các tiện ích, tiêu chuẩn an toàn.
Tuy vậy, ông Bình lưu ý: Mẫu ô tô cỡ nhỏ, giá rẻ mang thương hiệu Việt Nam ra mắt không dễ tạo ra một cuộc đua giảm giá xe trên diện rộng. Lý do là hiện nay các mẫu xe cỡ nhỏ đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, người tiêu dùng đã trải nghiệm một thời gian, họ hiểu được giá trị của các mẫu xe. Điều này đòi hỏi VinFast phải có sự nỗ lực vượt bậc.
Cú hích nội địa hóa
Việc mẫu xe giá rẻ Fadil và hai mẫu xe thương hiệu Việt ra mắt cũng được các chuyên gia nhận định sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam phát triển. Ông Võ Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Bình Minh, cho biết sản phẩm thương hiệu Việt sẽ góp phần đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa ngành ô tô.
Nhưng ông Bình cho rằng cần phải có một khoảng thời gian, khi thị trường trải nghiệm, chấp nhận và hài lòng với chất lượng, dịch vụ với những mẫu ô tô thương hiệu Việt. “Khi giá trị thương hiệu ô tô Việt được khẳng định sẽ là đòn bẩy để các công ty đẩy mạnh đầu tư sản xuất linh phụ kiện cho ngành ô tô” - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho biết phía VinFast mong muốn đạt tỉ lệ nội địa hóa khoảng 60% vào năm 2025 nhưng trước mắt dự kiến đạt khoảng 40%. Mục tiêu của tập đoàn này là thúc đẩy các tập đoàn, hãng xe khác liên kết với các nhà sản xuất linh phụ kiện của Việt Nam. Qua đó nhằm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đồng thời đáp ứng về mặt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Việc xây dựng hệ sinh thái các công ty phụ trợ xung quanh nhà máy là hướng đi đúng nhằm cắt giảm chi phí, thúc đẩy nhanh quá trình nội địa hóa. Tăng tỉ lệ nội địa hóa chính là sức bật của ngành công nghiệp phụ trợ. Vì thế, doanh nghiệp (DN) không chỉ cần sự tham gia của công ty trong nước mà còn cần sự đầu tư từ DN, tổ chức nước ngoài. Nếu tận dụng thế mạnh của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển, gia tăng giá trị gia tăng, mang lợi ích cho nền kinh tế” - ông Đồng chia sẻ.
Cần gia tăng tỉ lệ nội địa hóa
Theo Bộ Công Thương, đến nay cả nước có 358 DN liên quan đến ngành ô tô (gồm khoảng 50 DN lắp ráp, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh phụ kiện). Con số này quá thấp so với con số 2.500 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô tại Thái Lan.
Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô có chưa đến hai nhà sản xuất linh kiện phụ trợ, hơn 90% linh kiện và phụ tùng ô tô lắp ráp hiện vẫn do công ty mẹ hoặc nước ngoài cung cấp, trong khi để làm một chiếc ô tô phải cần 30.000-40.000 linh kiện.
Các công ty đầu tư nước ngoài về lắp ráp ô tô chủ yếu tự sản xuất các sản phẩm hỗ trợ hoặc nhập khẩu của chính hãng; hạn chế tối đa đặt mua phụ tùng, linh kiện của DN nội địa nên có rất ít DN nội địa về công nghiệp hỗ trợ có quan hệ liên kết với DN FDI và ngược lại.
Do vậy, một trong những thách thức để sản xuất các sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt là gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trên cơ sở nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm thiết bị, linh kiện.