"Vàng mắt" vì không bán được quả vàng
Đến hết năm 2017, cả nước có 923.900ha trồng cây ăn quả, tăng 52.500ha so với năm 2016, trong đó diện tích trồng cam tăng 10.000ha, trồng bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016. Diện tích trồng cây ăn quả có múi tăng mạnh chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, trong đó nhiều nơi đã vượt quy hoạch.
Trước tình trạng trái cây có múi như: Bưởi, cam, quýt, sầu riêng... rớt giá, từ cuối năm 2017, lường trước nguy cơ CAQCM phá vỡ quy hoạch cây trồng, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã cảnh báo: Đáng lo ngại nhất là tại nhiều địa phương, bà con ồ ạt mở rộng diện tích thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Hầu như tại các tỉnh trồng cam phía Bắc, người dân đều tự ý mở rộng diện tích trồng cây có múi, thị trường năm 2018 dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế đã chứng minh cho cảnh báo này, khi CAQCM đang lâm vào nghịch cảnh: Diện tích trồng được mở rộng, nhưng không xuất khẩu được, chủ yếu được tiêu thụ trong nước dạng quả quả tươi mà rất ít được thu mua, chế biến.
Trước câu hỏi của PV, Bộ NNPTNT có đưa ra quy hoạch với loại cây này không, đại diện Cục Trồng trọt khẳng định: “Theo quy định mới là không có quy hoạch và tới đây cũng sẽ không có, đặc biệt là với những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi”.
Chính vì vậy, CAQCM dự kiến cho thu hoạch “vàng” đang khiến người trồng “vàng mắt” bởi đầu ra quá lớn mà không có nơi tiêu thụ.
Cần sớm quy hoạch lại, ổn định giống
Theo PGS TS Nguyễn Quốc Hùng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện KHNN Việt Nam), nếu không có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh chất lượng giống cây có múi, nhiều vùng SX lớn, tập trung sẽ có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Đối với giống cây ăn quả nói chung, đặc biệt là giống CAQCM thì vấn đề chất lượng giống rất quan trọng.
Nếu như yêu cầu căn bản nhất trong trồng cây ăn quả nói chung là phải có vườn cây để cung cấp vật liệu làm mắt ghép nhân giống và phải có nguồn gốc ghép, sau đó mới tới vườn sản giống, thì đối với CAQCM, còn phải đạt các yêu cầu khắt khe hơn: Vườn vật liệu nhân giống phải được bố trí trong khu vực có nhà lưới cách ly để đảm bảo sạch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như greening và một số bệnh virus khác.
Tuy nhiên trên thực tế, ngoại trừ một số ít các đơn vị của các Viện nghiên cứu và đơn vị nhân giống của Nhà nước đáp ứng được các yêu cầu đó, các vườn sản xuất giống cây có múi của các cơ sở sản xuất giống tư nhân ở phía Bắc đa phần là không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, nhất là nguồn mắt ghép. Toàn bộ quá trình sản xuất nhân giống đều diễn ra ở ngoài trời, không có lưới cách li nên nguy cơ nhiễm bệnh là vô cùng lớn.